Thời điểm “vàng” vay vốn mua nhà ở
Một số ngân hàng đang đưa ra các chương trình cho vay mua nhà ở với lãi suất rất thấp, có sản phẩm bằng với lãi suất huy động nhằm kích cầu cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến thị trường này vẫn trầm lắng đó là giá nhà ở vẫn quá cao so với thu nhập của người dân.
Lãi suất thấp, kỳ hạn dài để giảm áp lực trả nợ
Hiện các ngân hàng đang triển khai nhiều sản phẩm cho vay mua nhà với kỳ hạn dài nhằm giảm áp lực trả nợ cho người mua nhà. Theo đó những ngân hàng cho vay mua nhà ở kỳ hạn đến 25 năm có lãi suất thấp có thể kể đến như VPBank 5,9%/năm, GPBank 6,25%/năm, HDBank 6,8%/năm. Trong khi các ngân hàng cho vay kỳ hạn lên đến 30 - 35 năm có lãi suất thấp như BIDV là 6,5%/năm, Sacombank là 6,5%/năm, ShinhanBank 6,6%/năm, ABBank 7,6%/năm. Thậm chí một số ngân hàng còn cho vay với kỳ hạn dài và tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 100% giá trị căn nhà mua như Agribank, BIDV, OCB, Sacombank, VietBank...
Tuy nhiên các mức lãi suất cho vay mua nhà kể trên được tính trong chu kỳ đầu. Trong đó khoảng thời gian này của các ngân hàng cổ phần là từ 3-6 tháng; còn nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối áp dụng thời gian dài hơn, từ 18-24 tháng… Sau khi hết chu kỳ đầu ưu đãi lãi suất, ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay dựa trên lãi suất tiết kiệm 12-13 tháng hoặc 18-24 tháng cộng thêm từ 3-4,5%.
Người mua nhà vay vốn ngân hàng cũng cần lưu ý: Đối với các khoản trả nợ trước hạn, thông thường các ngân hàng tính theo hai trường hợp. Trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn khi vẫn trong thời gian hưởng ưu đãi lãi suất thì mức phí khoảng 3-4%; Nếu trả nợ trước hạn ở giai đoạn lãi suất thả nổi thì mức phí thấp hơn, khoảng dưới 3%.
Lãi suất tiền gửi giảm mạnh tạo điều kiện giảm lãi vay
Theo nhận định của giới chuyên môn, lãi suất cho vay mua nhà để ở đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Lý do khiến các ngân hàng có thể giảm mạnh lãi suất cho vay mua nhà là do mặt bằng lãi suất huy động cũng giảm rất mạnh so với thời gian trước và các ngân hàng cũng đang tạm "dư thừa" vốn huy động khá lớn.
Theo thống kê của Thời báo Ngân hàng, lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng hiện nay của nhóm các ngân hàng lớn từ 4,8-5,3%/năm, trong khi lãi suất nhóm NHTMCP tầm trung xoay quanh 5,4%-5,8%/năm, các ngân hàng quy mô nhỏ ở mức khoảng 5,8-6,2%/năm.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, lãi suất tiền gửi giảm mạnh đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN Việt Nam, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của toàn hệ thống đến nay đạt 2,74 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng - vay mua, sửa chữa nhà ở chiếm 64%, trong khi dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung, và cao hơn cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình hỗ trợ nhà ở của Chính phủ.
Mặc dù ghi nhận nỗ lực tháo gỡ khó khăn và kích cầu cho thị trường bất động sản của hệ thống ngân hàng thông qua việc giảm mạnh lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện thị trường bất động vẫn trầm lắng, thanh khoản chưa có nhiều cải thiện là do còn tồn tại không ít vấn đề như giá nhà còn cao, mất cân đối cung cầu trong các phân khúc, việc phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý...
Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hàng năm, khiến người Việt Nam ngày càng khó sở hữu nhà ở. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp tái cân bằng, cụ thể là phát triển nhà ở xã hội như một công cụ bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tính bền vững của thị trường bất động sản.
Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô vừa diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặt vấn đề, trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Từ đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, giảm giá bán sản phẩm.
Theo các chuyên gia, giá nhà đất giảm sẽ có tác dụng kích cầu lớn hơn nhiều so với việc các ngân hàng giảm lãi suất, bởi nhu cầu mua nhà để ở của người dân vẫn còn rất lớn.