A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Thị trường tín chỉ carbon là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon - thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường chứng chỉ carbon sẽ giúp chúng ta nắm bắt được những cơ hội trong lộ trình thực hiện các cam kết giảm phát thải carbon.

Thị trường tín chỉ carbon là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon - thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường chứng chỉ carbon sẽ giúp chúng ta nắm bắt được những cơ hội trong lộ trình thực hiện các cam kết giảm phát thải carbon.

Tóm tắt: Thị trường tín chỉ carbon là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon - thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Đây được coi là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon trong cam kết của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới đang tăng lên đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ thị trường giao dịch chứng chỉ này. Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường chứng chỉ carbon sẽ giúp chúng ta nắm bắt được những cơ hội trong lộ trình thực hiện các cam kết giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, để vận hành thị trường carbon hiệu quả, không ít vấn đề được đặt ra, cần giải quyết, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và đẩy mạnh công tác truyền thông.

Carbon credits market in Vietnam

Abstract: Carbon credits market is where activities of trading, buying and selling carbon credits - a gen-eral term for tradable credits or licenses that represent 1 ton of CO2 or other glass equivalent to 1 ton of CO2 – take place. This is considered one of important tools to implement carbon neu-trality target in the commitments of parties under the United Nations Framework Convention on Climate Change. The increasing demand for carbon credits globally has promoted the strong development of this certificate trading market. In Vietnam, developing carbon credits market will help us grasp opportunities in the roadmap to implement carbon emission reduction com-mitments. However, in order to operate the carbon market effectively, many issues arised that need to be resolved, from perfecting the legal framework, developing technical standards as well as promoting communication and propaganda on this issue.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện thỏa thuận chung tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), trong việc cắt giảm khí nhà kính theo các cam kết khí hậu và đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã và đang hình thành thị trường carbon, nơi các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết. Giao dịch carbon bắt đầu chính thức vào năm 1997 theo Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu với hơn 150 quốc gia ký kết.

Thị trường carbon gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ car-bon phát sinh từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon phù hợp với quy định trong các điều ước quốc tế. Thực hiện mục tiêu chung hướng đến Net Zero vào năm 2050, Việt Nam đang đẩy mạnh việc xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Mặc dù là quốc gia được đánh giá có nhiều dư địa cho phát triển thị trường này nhưng tại Việt Nam, mức độ khai thác còn sơ khai. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để hình thành thị trường tín chỉ carbon hoàn chỉnh là yêu cầu đặt ra.

Bài viết trên cơ sở tổng hợp các lý luận liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, phân tích, đánh giá những vấn đề đặt ra cho việc hình thành, vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, qua đó, khai thác có hiệu quả thị trường này phục vụ cho phát triển bền vững cũng như thực hiện các cam kết về khí hậu của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là một trong các bên tham gia.

2. Tổng quan thị trường tín chỉ carbon

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo Nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ car-bon. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Theo Forbes Việt Nam, tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2tđ). Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2. Mục tiêu của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sản xuất từ “nâu” sang “xanh”, giảm phát thải khí nhà kính, phấn đấu đưa phát thải ròng bằng 0 thì thị trường tín chỉ carbon ra đời như một tất yếu. Có thể hiểu đơn giản, thị trường tín chỉ carbon là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon.

Trong tiến trình thực hiện các cam kết theo lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, các quốc gia, ngành công nghiệp hay doanh nghiệp được ấn định một “hạn ngạch” phát thải hằng năm nhất định hay mức trần là về đơn vị carbon (hay là Cap). Mức trần này sẽ giảm dần nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Số lượng tín chỉ carbon được phép giao dịch nằm trong mức trần đó, nếu vượt qua mức đó sẽ bị phạt. Do đó, để tránh bị phạt trong trường hợp vượt ngưỡng, họ phải mua lại “quyền” phát thải của các doanh nghiệp khác. Trong trường hợp không dùng hết hạn ngạch phát thải được cho phép, họ có thể bán lại cho doanh nghiệp khác đang cần. Đơn vị tiêu chuẩn để đo lường khối lượng phát thải, như đã nói, là một tấn carbon hay một tín chỉ carbon.

Sau Nghị định thư Kyoto, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Có hai loại thị trường chính gồm: (1) Thị trường carbon bắt buộc - thị trường nơi việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change - UN-FCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM), Cơ chế phát triển bền vững (Sustainable Development Mechanism – SDM) hoặc đồng thực hiện (Joint - Implementation - JI) và (2) Thị trường carbon tự nguyện - thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (Environmental - Social - Governance, ESG) để giảm “dấu chân” carbon. Thị trường tín chỉ carbon tự nguyện là một cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp giảm lượng khí thải nhà kính một cách liên tục. Hệ thống này hoạt động bằng cách thiết lập giới hạn về số lượng khí thải được phép tiếp tục sinh ra và cho phép các công ty mua và bán tín chỉ carbon tương ứng với mỗi tấn khí thải đã giảm đi. Những giao dịch này tạo ra cơ chế tự điều chỉnh sự cân bằng về carbon bằng cách giảm hoặc loại bỏ khí thải carbon dioxide (hoặc các loại khí nhà kính khác) tại nơi nào đó, để đối phó với lượng khí thải tạo ra ở nơi khác. Thị trường này cũng khuyến khích các nỗ lực giảm phát thải và giúp chống lại biến đổi khí hậu bằng cách định giá carbon.

Trên thế giới, thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên là của Liên minh châu Âu, vận hành từ năm 2005. Đây là công cụ chính sách quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu. Trung Quốc bắt đầu đề cập xây dựng thị trường carbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060.

3. Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Thực hiện mục tiêu chung hướng đến Net Zero vào năm 2050, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Bên cạnh đó, Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” được xây dựng trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP, theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Đặc biệt, từ năm 2028, nước ta sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

Về đối tượng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định gồm: (1) Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do nhà nước và chính phủ ban hành; (2) Các đơn vị tham gia vào thị trường cần thực hiện theo cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà trong đó Việt Nam là nước thành viên; (3) Các cá nhân và tổ chức có liên quan đến các hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính hay tín chỉ carbon trên thị trường. Quá trình thực hiện giao dịch và bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng đã được quy định tại Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 về việc phê duyệt Đề án triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Về danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính, Quyết định 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, theo đó có 1.912 cơ sở sẽ tham gia thị trường tín chỉ carbon trong nước.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn với các dự án chứng chỉ carbon. Theo số liệu trong báo cáo Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) số tháng 3/2023, tính đến tháng 11/2022, có tổng cộng 276 dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch - Clean Development Mecha-nism - CDM) và gần 29,4 triệu tín chỉ carbon đã được ban hành từ các dự án tín chỉ carbon được phát triển theo cơ chế CDM tại Việt Nam. Ngoài CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập. Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện từ Việt Nam, ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án CDM. Trong thời gian qua, nước ta có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon..., trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới. Việt Nam là một trong bốn nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. Việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế (như Hiệp định tự do thương mại EU - Việt Nam); tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như EU.

Mặc dù thị trường tín chỉ carbon được xem là giải pháp hữu hiệu để tạo động lực cho doanh nghiệp giảm thiểu khả năng phát thải, cắt giảm lượng khí thải hoặc chuyển sang sử dụng các công nghệ xanh, sạch, ít thải khí carbon mà hiệu quả hơn so với các công nghệ sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, để vận hành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm, quy chuẩn mang tính kỹ thuật của thị trường như, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước với khu vực và thế giới phù hợp với các quy định, điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Xây dựng bộ công cụ định giá carbon đảm bảo tính phù hợp và khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế; Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon; các định mức phát thải trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế vận hành, quản lý thị trường giao dịch tín chỉ carbon, kể cả các sàn giao dịch để thống nhất quản lý về nhà nước. Thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ carbon đồng thời kết nối với các hệ thống, tổ chức tiêu chuẩn trên thế giới. Các tổ chức, cá nhân sẽ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại, lượng tín chỉ carbon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác để tham gia thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan có cơ hội được tiếp cận thông tin, kỹ thuật áp dụng để chủ động sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam, từ đó gắn việc sản xuất với xác định lượng phát thải.

Để thực hiện điều này, sự hợp tác và phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý công quốc gia là rất cần thiết. Trong mối quan hệ hợp tác này, khu vực doanh nghiệp sẽ là nhân tố cốt lõi vì họ là tác nhân tạo ra khí thải và là đối tượng sẽ tham gia và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thị trường tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ, năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường.

Kết luận

Hình thành và đưa vào vận hành thị trường tín chỉ carbon sẽ là điều kiện quan trọng để các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam, thực hiện các cam kết về khí hậu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng để vận hành hiệu quả thị trường này tại Việt Nam, nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết không chỉ dừng lại ở mặt thể chế, kỹ thuật mà còn cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, các cấp chính quyền về lợi ích, tầm quan trọng của thị trường mới mẻ này. Là quốc gia đang định vị đi đầu trong khu vực về mua bán tín chỉ carbon theo các quy định mới của Thỏa thuận Paris, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các chính sách để phát triển thị trường này, góp phần hướng tới hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Tài liệu tham khảo:

- Chính phủ (2022), Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;

- Chính phủ (2022), Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050;

- Chính phủ (2022), Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính;

- Chính phủ (2022), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn;

- Minh Đức (2023), Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Chìa khóa để thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, https://thitruongtaichinhtiente.vn/phat-trien-thi-truong-tin-chi-carbon-chia-khoa-de-thuc-day-viet-nam-dat-duoc-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-49930.html;

- Liên hợp quốc (1997), Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu;

- Liên hợp quốc (2015), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu;

- Nguyễn Quang Huân (2023), Giải pháp thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, https://dttc.sggp.org.vn/giai-phap-thuc-day-thi-truong-tin-chi-carbon-post107742.html;

- Hồng Nhung (2021), Hoàn thiện cơ chế để hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon, http://baokiemtoan.vn/hoan-thien-co-che-de-hinh-thanh-thi-truong-mua-ban-tin-chi-carbon-10373.html;

- Lã Việt Phương, Nguyễn Minh Hoàng (2023), Thách thức của quá trình xây dựng các tiêu chuẩn cho thị trường carbon tự nguyện, https://kinhtevadubao.vn/thach-thuc-cua-qua-trinh-xay-dung-cac-tieu-chuan-cho-thi-truong-carbon-tu-nguyen-27216.html;

- Trung tâm con người và thiên nhiên (2023), Bản tin Chính sách tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, số 23 năm 2023;

- Anh Tú (2023), Việt Nam tiến gần hơn tới thị trường tín chỉ carbon, https://vneconomy.vn/viet-nam-tien-gan-hon-toi-thi-truong-tin-chi-carbon.htm.

- https://forbes.vn/giam-phat-thai-trung-hoa-carbon-con-duong-tat-yeu.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1 năm 2024


Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết