Thị trường ngày 12/3: Giá dầu lao dốc 4% do chứng khoán ngập sắc đỏ, vàng giảm theo
Giá hàng hóa nguyên liệu đồng loạt giảm trong phiên giao dịch vừa qua do lo sợ về dịch virus corona sau khi WHO công bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu.
Dầu lao dốc do chứng khoán ngập sắc đỏ và Saudi Arabia cùng UAE lên kế hoạch tăng công suất sản xuất
Giá dầu đã giảm 4% trong phiên giao dịch vừa qua giữa bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới công bố dịch virus corona là Đại dịch toàn cầu, và một số ‘cường quốc sản xuất dầu’ thông báo kế hoạch tăng sản lượng khiến cuộc chiến giá dầu leo thang lên một nấc mới.
Đóng cửa phiên này, dầu Brent giảm 1,43 USD (3,8%) xuống 35,79 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 1,38 USD (4%) xuống 32,98 USD/thùng.
Các tài sản rủi ro lại bị bán tháo, sau khi số ca nhiễm virus corona tăng mạnh tại nhiều quốc gia. Chứng khoán thế giới ngày hôm qua giảm 5% giá trị.
Trong khi đó, Saudi Arabia và UAE đều lên kế hoạch tăng sản lượng sau khi liên minh OPEC+ kết thúc thỏa thuận. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đã chỉ đạo hãng Saudi Aramco nâng công suất sản xuất từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày; Công ty dầu khí quốc doanh UAE – ADNOC – cũng cho biết sẽ tăng lượng cung dầu thô lên hơn 4 triệu thùng/ngày trong tháng 4 tới, đồng thời đẩy nhanh kế hoạch tiếp theo để nâng lên 5 triệu thùng/ngày (mục tiêu này trước đây đặt ra là cho thời điểm 2030). Trong khi đó, cả OPEC và Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đều cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới do dịch bệnh diễn biến phức tạp gây tổn thất nghiêm trọng.
Vàng giảm
Giá vàng quay đầu giảm vào lúc đóng cửa phiên vừa qua, sau khi tăng 1,3% lúc đầu phiên giao dịch, do nhà đầu tư bán chốt lời đối với những hợp đồng đã mang lại lợi nhuận giữa bối cảnh thị trường chứng khoán bấp bênh và dịch Covid-19 lây lan toàn cầu.
Kết thúc phiên, vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.642,98 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 0,2% xuống 1.642,3 USD/ounce.
Chứng khoán Mỹ lao dốc, xóa đi phần lớn những thành quả của phiên trước do nhà đầu tư hoài nghi về kế hoạch kích thích kinh tế nhằm giảm tác động từ Covid-19 của Tổng thống Donald Trump.
Đồng, chì đều giảm
Giá chì giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2016, trong khi đồng cũng đi xuống do các chương trình kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương không đủ để làm cho nhà đầu tư yên tâm giữa bối cảnh dịch bệnh lây lan trên toàn cầu khả năng sẽ khiến nhu cầu kim loại sụt giảm mạnh.
Giá chì kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,7% xuống 1.765 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 6/2016; đồng cũng giảm 0,7% xuống 5.529 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống thấp nhất 3 năm là 5.433 USD/tấn.
Doanh số tiêu thụ ô tô ở Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới – tháng 2/2020 giảm mạnh do dịch bệnh.
Quặng sắt giằng co giữa triển vọng nhu cầu và lo ngại về Covid-19
Giá quặng sắt tại Trung Quốc kết thúc phiên vừa qua không thay đổi mấy so với một ngày trước đó, mặc dù trải qua những giờ biến động mạnh. Giới đầu tư hy vọng nhu cầu sẽ tăng lên sau khi Chính phủ nước này tăng cường các biện pháp kích thích, mặc dù lo ngại dịch bệnh virus corona đang lây lan nhanh trên toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, quặng sát trên sàn Đại Liên vững ở 653,5 CNY (94 USD)/tấn mặc dù tăng mạnh lúc đầu phiên; quặng sắt trên sàn Singapore giảm 2,1% vào buổi chiều cùng ngày.
Đường, cà phê giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,33 US cent (2,7%) trong phiên vừa qua, xuống 12,26 US cent/lb, cách không còn xa mấy so với mức thấp nhất 4,5 tháng chạm tới hôm 9/3 (là 12,18 US cent). Nguyên nhân do giá dầu thô sụt giảm. Đường trắng cũng mất 2,6 USD (0,7%) trong phiên vừa qua, xuống 359,2 USD/tấn.
Công ty tư vấn Agritel nhận định, Brazil trong niên vụ 2019/20 có thể nâng sản lượng đường thêm 4 – 5 triệu tán, sẽ đưa thị trường thế giới về mức gần cân bằng trong năm marketing tới.
Các nhà máy đường Ấn Độ cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,5 triệu tấn đường từ đầu niên vụ 2019/20 đến nay, và dự kiến xuất khẩu 5 triệu tấn trong năm nay.
Về cà phê, giá arabica kỳ hạn tháng 5 mất 2,3 US cent (1,8%) trong phiên vừa qua, xuống 1,1205 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn sụt 8 USD (0,5%) xuống 1.271 USD/tấn.
Việt Nam đã xuất khẩu 319.207 tấn cà phê trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Chuối tại Trung Quốc tăng
Giá chuối tại Trung Quốc trong tuần vừa qua (1-7/3) tăng mạnh. Chuối ngon loại 1 có giá khoảng 7 CNY (0,01 USD)/kg, trong khi chuối loại 2 giá khoảng 3 CNY (0,43 USD)/kg. Các khu vực trồng chuối chính ở Quảng Đông và Quảng Tây đều sắp kết thúc vụ thu hoạch nên nguồn cung không nhiều. Tỉnh Vân Nam cũng đã qua lúc thu hoạch cao điểm. Tiêu thụ trái cây ở Trung Quốc đang hồi phục dần sau khi dịch virus corona đã qua lúc cao điểm và các thương nhân đang dần quay trở lại kinh doanh.
Nguồn cung chuối nhập khẩu từ Lào và Campuchia khá ổn định, mặc dù khối lượng chuối loại 1 cũng không nhiều. Đây chính là lý do khiến giá chuối loại 1 và loại 2 có sự chênh lệch lớn.
Tỏi tại Mỹ tăng vọt
Giá tỏi bán lẻ tại Mỹ hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ 2018 do thiếu hụt nguồn cung. Giá một túm tỏi trong nửa đầu tháng 2 năm nay khoảng 5 củ có giá 1,425 USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc bán trên thị trường California hiện giá 85-87 USD/thùng 15 kg, cao hơn khoản 60% so với hồi đầu năm. Người tiêu dùng Mỹ lo ngại giá tỏi sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Trung Quốc là nhà sản xuất tỏi lớn nhất thế giới, nhưng dịch virus corona khiến hoạt động vận chuyển của Trung Quốc bị gián đoạn, và thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 12/3