Thị trường năm 2019 (tiếp): Giá thịt lợn tăng sốc; thép và hạt tiêu giảm
Năm 2019, giá quặng sắt tăng mạnh nhất (141%) trong khi khí gas thiên nhiên giảm nhiều nhất (-28%). Dầu thô, kim loại quý, nickel, thịt lợn, cà phê arabica, sữa, dầu cọ Malaysia, cũng nằm trong số những hàng hóa có giá tăng trong năm vừa qua; còn trong nhóm giảm giá có thép, giấy và bột giấy, cacao, bông, hạt tiêu, cà phê robusta, ngô, đậu tương...
Giá thịt lợn trên toàn cầu năm 2019 tăng do dịch tả lợn Châu Phi.
Tại Mỹ, giá trên sàn Chicago tăng 7,9% trong năm 2019, theo đó hợp đồng lợn nạc kỳ hạn tháng 2/2020 kết thúc năm ở 71,425 US cent/lb. Nguyên nhân giá tăng bởi kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu thịt lợn Mỹ. Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc đại lục và Hongkong trong 10 tháng đầu năm 2019 tăng 55% về khối lượng và 34% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ở Trung Quốc, giá thịt lợn năm 2019 biến động rất mạnh: giá lợn hơi duy trì ở mức thấp 12 - 14 CNY/kg trong 3 tháng đầu năm 2019, bắt đầu từ tháng 4/2019 liên tục tăng mạnh, lên mức kỷ lục vào tuần cuối tháng 10/2019 đạt 54 CNY/kg (tương đương 177.000 đ/kg, gấp 1,4 lần so với tháng 9/2019 và gấp 4,4 lần so với hồi đầu năm 2019) do dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, từ tháng 11/2019 giá bắt đầu giảm và kết thúc năm 2019 ở mức 34- 35 CNY/kg, giảm 36% so với mức kỷ lục hồi cuối tháng 10/2019 nhưng vẫn tăng rất mạnh gấp 2,8 lần so với đầu năm 2019. Dịch tả lợn đã khiến 40% đàn lợn của nước này bị chết.
Rabobank dự báo năm 2020 và 2021 Trung Quốc sẽ tái đàn qui mô nhỏ và nhập khẩu qui mô lớn trước khi sản lượng lợn tăng cho tới năm 2025, thời điểm thị trường cân bằng trở lại và giá ổn định. Theo ngân hàng này, kể cả tới năm 2025, tổng đàn lợn của Trung Quốc cũng chưa thể đạt mức của năm 2018.
Thép giảm 10%
Giá thép thế giới năm 2019 giảm khoảng 10% do nguồn cung dư thừa. Ngành thép đã trải qua một năm khó khăn khi giá thép phế liệu tăng nhưng nhu cầu nhìn chung yếu, ngoại trừ ở Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, các nước đua nhau đặt hàng rào thuế quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc khiến sản xuất kinh doanh yếu đi ảnh hưởng tới nhu cầu thép.
Tính chung cả năm 2019, chỉ số giá thép Châu Á giảm 9,5%, trong đó riêng Trung Quốc giảm 10%. Thép cây hợp đồng 5 tháng trên sàn Thượng Hải kết thúc năm 2019 ở 3.691 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng đạt 3.708 CNY/tấn. Tại Châu Âu, chỉ số giá thép giảm 13,7% trong năm vừa qua, trong đó thép băng cán nóng kết thúc năm ở 471 USD/tấn. Còn tại Mỹ, chỉ số giá thép cũng giảm 10%; kết thúc năm 2019, giá thép dây cán nguội ở mức 818 3FBA USD/tấn và thép dải cán nóng 602 USD/tấn.
Giá hạt tiêu trên thị trường Malaysia đã giảm năm thứ 4 liên tiếp và có thể vẫn chưa chạm đáy. Cụ thể, giá tiêu trắng Kuching loại 1 kết thúc năm 2019 ở mức 12.720 ringgit/tấn, trong khi tiêu đen là 6.700 ringgit/tấn. So với cuối năm 2018 thì giá tiêu trắng đã mất khoảng 35%, trong khi tiêu đen mất khoảng 28%. Sản lượng hạt tiêu Malaysia năm 2019 ước khoảng 17.000 – 18.000 tấn, thấp hơn mức 20.000 tấn của những năm trước.
Đáng chú ý, giá tiêu Malaysia không ngừng giảm trong khi giá tiêu của một số nước như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ… hồi phục nhẹ trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, giá vẫn chưa bằng mức của cuối năm 2018.
Tại Ấn Độ, giá tiêu đen kết thúc năm 2019 ở mức khoảng 330 - 350 rupee/kg. Tuy nhiên, vào tháng 10/2019, giá đã xuống dưới 300 rupee/kg, mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ do nguồn cung dư thừa trên thị trường toàn cầu và lượng nhập khẩu vào Ấn Độ tăng. Giá hạt tiêu Ấn Độ gần đây liên tiếp duy trì cao nhất thế giới, cao gần gấp đôi so với tiêu Việt Nam, Brazil và Indonesia, và cao hơn khoảng 20% so với tiêu Malaysia. Mấy năm qua, hàng năm nước này chỉ sản xuất được 50.000 – 60.000 tấn tiêu.
Nguồn cung hạt tiêu toàn cầu năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục dư thừa bởi sản lượng khoảng 600.000 tấn trong khi tiêu thụ chỉ 450.000 tấn. Do đó, giá dự báo sẽ còn chịu áp lực giảm thêm nữa.
Bột giấy giảm
Trong năm 2019, giá bột giấy trên thị trường Mỹ và Châu Âu giảm, trong khi tại Trung Quốc gần như không thay đổi. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và cung bột giấy vượt nhu cầu tiếp tục gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Giấy thu hồi và giấy in báo giảm, giấy bao bì tăng
Giá giấy thu hồi (RPC) nhập khẩu vào Châu Á 6 tháng cuối năm 2019 giảm do các nhà nhập khẩu Trung Quốc giảm mua vào vì những quy định khắt khe hơn về môi trường. Các nhà cung cấp RPC chuyển hướng sang các thị trường Châu Á khác nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc. Giá bìa cũ thu hồi (OCC - old corrugated container) Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc còn 145 – 150 USD/tấn, giấy báo cũ (ONP) còn 110-120 USD/tấn. OCC cao cấp châu Âu giá 105-130 USD/tấn, RCP của Nhật Bản nhập khẩu giá 105-110 và ONP của Nhật Bản nhập khẩu giá 130-140 USD/tấn.
Giá giấy in cũng giảm trong 6 tháng cuối năm 2019. Tại Đông Nam Á, dư cung, tồn kho cao trong khi nhu cầu không tăng gây áp lực lên giá giấy in. Từ mức 720-790 USD/tấn trong quý 2/2019, giá giấy in cao cấp tại Đông Nam Á giảm còn 710-780 USD/tấn. Trong khi đó, giá giấy in báo tại Hongkong, Singapore và Thái Lan giảm khoảng 50-55 USD/tấn, loại 45g xuống khoảng 440-470 USD/tấn và 42g được chào bán ở mức 450-480 USD/tấn.
Riêng giấy bao bì có xu hướng đi lên. Tại Trung Quốc, giá giấy bao bì bắt đầu tăng từ cuối tháng 8/2019 do chính sách hạn chế cấp hạn ngạch nhập khẩu giấy thu hồi cho các nhà máy của nước này, cộng với việc tăng thuế suất nhập khẩu RCP từ Mỹ của Chính phủ Trung Quốc, cũng như chi phí bảo vệ môi trường như hơi, nước thải… tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sử dụng RCP thu gom trong nước. Cuối năm 2019, giá giấy bao bì tại Trung Quốc ở mức 3.467 USD/tấn, cao hơn 3,12% so với phiên giao dịch đầu quý 3/2019 (3.202 USD/tấn); cao hơn 2,9% so với cuối quý 2/2019 và tăng 10,5% so với đầu năm 2019.
Sữa tăng mạnh
Giá sữa trên thị trường thế giới năm 2019 tăng khá mạnh do sản lượng ở Bắc Âu và Australia giảm trong khi nhu cầu tại Trung Quốc tăng.
Tại Châu Đại Dương, giá sữa bột tách kem trung bình năm 2019 tăng 31,99% so với năm 2018, lên 2.632 USD/tấn; kết thúc năm 2019, giá loại sữa này ở mức 3.088 USD/tấn. Sữa bột nguyên kem giá bình quân năm 2019 là 3.140 USD/tấn, tăng 4,82% so với năm 2018; loại này kết thúc năm 2019 ở mức 3.375 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 8/2015. Trong khi đó tại Châu Âu, giá sữa bột nguyên kem trung bình năm 2019 là 2.940 EUR/tấn, tăng 7,3% so với năm 2018; kết thúc năm loại này ở mức 3.042 EUR/tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2016.
Bông giảm năm thứ 2 liên tiếp
Giá bông năm 2019 giảm do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm giảm tiêu thụ bông trên toàn cầu (bởi Mỹ và Trung Quốc là hai nước xuất khẩu và tiêu thụ bông hàng đầu thế giới.
Trên sàn New York, bông kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc năm 2019 ở mức giá 69,05 US cent/lb, giảm 4,4% so với cuối năm 2018.
Thái Lan sẽ tăng sản lượng và xuất khẩu tôm trong năm 2020
Sản lượng tôm Thái Lan dự báo sẽ tăng lên 350.000 tấn vào năm 2020, tức là cao hơn 20% so với năm 2018 (khi sản lượng đạt 290.000 tấn, trị giá 60 tỷ baht). Đó là thông báo mới đây từ Chủ tịch Hiệp hội Tôm nước này, ông Somsak Paneetatyasai. Trên cơ sở đó, xuất khẩu tôm nước này dự báo sẽ tăng lên 192.000 tấn so với 160.000 tấn của năm 2019 (nhưng giảm 5% so với năm 2018). Ông Somsak tin tưởng trị giá tôm Thái Lan xuất khẩu trong năm 2020 sẽ tăng 20% so với mức 50 – 55 tỷ baht của năm 2019 (trị giá tôm xuất khẩu năm 2019 giảm 11% so với 2018 do đồng baht mạnh lên so với USD và dịch bệnh ở tôm nuôi).
Suốt 2 năm qua, người chăn nuôi tôm ở Thái Lan đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh ở tôm và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ khiến giá mặt hàng này sụt giảm. Đồng baht tăng giá càng khiến cho xuất khẩu tôm của Thái Lan khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết nhu cầu tôm trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức cao trong khi việc đánh bắt tôm tự nhiên ngày càng trở nên khó khăn hơn. FAO cho rằng một số quốc gia, trong đó có Mỹ, EU và Trung Quốc, vẫn tin tưởng vào chất lượng tôm Thái Lan.
Sản lượng tôm toàn cầu năm 2019 ước tính tăng 5% so với 2018, đạt 3,4 triệu tấn, do sản lượng tăng ở Ấn Độ, Việt Nam và các nước Trung và Nam Mỹ.
Nga tạm thời cấm nhập khẩu chanh, cam Trung Quốc
Cơ quan kiểm dịch nông nghiệp Nga ngày 30/12/2019 thông báo sẽ tạm thời cấm nhập khẩu quả có múi từ Trung Quốc kể từ 6/1/2020. Trước đó, ngày 13/12/2019, cơ quan này đã cảnh báo có thể cấm nhập khẩu chanh cam Trung Quốc vì phát hiện thấy có sâu bệnh trong một số mẫu hàng nhập khẩu.
Lệnh cấm này sẽ được áp dụng cho đến khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp hiệu quả để đáp ứng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga.
Trung Quốc bội thu ớt
Năm 2019, cả 3 khu vực sản xuất ớt lớn nhất của Trung Quốc đều bội thu, tăng trung bình khoảng 20%. Tuy nhiên, giá ớt không bị tác động nhiều bởi hoạt động xuất khẩu được duy trì đều đặn và nhiều doanh nghiệp tích trữ ớt để bán trong thời gian tới. Hiện giá ớt bột tại Trung Quốc vào khoảng 1.850 – 1.900 USD/tấn.
Mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu khoảng 70.000 tấn ớt khô và ớt bột, chủ yếu sang Tây Ban Nha, Mỹ, Mexico và khu vực Đông Nam Á. Ớt khô của Trung Quốc có màu sắc đẹp, bắt mắt và độ cay thấp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 2/1/2020