A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thay đổi hướng sản xuất, giữ thế chủ động

Dịch bệnh Covid –19  khiến tất cả các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm kim ngạch. Doanh nghiệp chủ động thay đổi hướng sản xuất chế biến hàng hóa để giảm thiệt hại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá, một số trong các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như thủy sản, rau quả… sẽ bị ảnh hưởng lớn từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang bùng phát toàn cầu. Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đều giảm mạnh ở hầu hết các thị trường lớn từ trước đến nay của Việt Nam như Châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Và dự báo, tình hình khó khăn sẽ còn tiếp tục trong những tháng tiếp theo.

thay doi huong san xuat giu the chu dong
Ảnh minh họa

Đến thời điểm này, doanh nghiệp ở các ngành hàng trên đã bắt đầu chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh. Một mặt chủ động ở thị trường xuất khẩu, có sự chuẩn bị để thích ứng với các biến động mạnh (về nhu cầu tiêu dùng, về sản phẩm mới, tiện lợi hơn so với truyền thống…). Mặt khác, tìm cách mở rộng thị phần ở thị trường nội địa để giữ ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, đối với doanh nghiệp trong ngành, tác động của dịch bệnh đã bắt đầu khi rất nhiều doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu đã có thông báo chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng lại đến sau tháng 6/2020 mới bắt đầu mua hàng. Còn khó khăn trước mắt của doanh nghiệp là các hãng tàu biển vẫn đang ngưng vận chuyển hàng đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chủ yếu sang thị trường Trung Quốc thì hiện nay đang phải chịu gánh nặng chi phí lưu kho, chưa biết đến lúc nào mới giải tỏa.

Tuy vậy, cũng đã nhìn thấy được một hướng đi khác trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, đó là chuyển hướng sản xuất chế biến sản phẩm thủy sản (làm hàng đông lạnh, đồ hộp…). Sự chuyển đổi này hướng đến khách hàng ở các thị trường lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc) khi sau đợt đại dịch, họ sẽ có xu hướng chọn lựa thực phẩm đóng hộp, đông lạnh nhiều hơn hàng tươi sống.

Ngay với thị trường trong nước, theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sài Gòn (Saigon Food), trước đây sản phẩm của công ty là thủy hải sản, rau quả chế biến tiện lợi cho bữa ăn hàng ngày cho các gia đình Việt bận rộn. Nhưng hiện nay, trong một xu hướng tiêu dùng mới, nhất là trong tình hình dịch bệnh lan rộng, nhiều hộ gia đình muốn dự trữ ít thực phẩm sẽ chọn các loại cá tôm, thịt đóng hộp hay chế biến sẵn. Trong tuần qua, nhóm sản phẩm bán chạy nhất của Saigon Food là cháo, mì, phở ăn liền. Tiếp đến là nhóm sản phẩm đóng hộp như cá, các loại đậu, rồi đến các loại hải sản (cá ngừ, mực, nhuyễn thể, tôm…) đông lạnh; cùng với đó là nhóm thực phẩm từ thủy hải sản chế biến sẵn thành lẩu, súp, bún mắm…

Từ nhu cầu tăng mạnh đến trên 30% của thị trường, Saigon Food đã tăng cường sản xuất thêm nhóm thủy hải sản đông lạnh, có thể dự trữ được trên 6 tháng. Đặc biệt, từ nay đến thời điểm tháng 6/2020 là vào vụ thu hoạch tôm, các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu do giảm đơn hàng xuất khẩu, sẽ giảm sức mua (và cả giảm giá). Đây là cơ hội để doanh nghiệp chế biến thực phẩm tiêu thụ nội địa tận dụng nguồn nguyên liệu đồi dào, giá tốt để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trong các tủ đông tại hệ thống các siêu thị, nhóm sản phẩm rau, củ quả đông lạnh cũng đang là mặt hàng được ưa chuộng hơn bình thường. Đó là các túi khoai tây cắt lát, bắp hạt, các loại đậu hay hỗn hợp đậu và bắp đông lạnh.

Theo Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh Lâm Đồng, đây là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang thị trường ASEAN và Đông Nam Á. Trước đây, lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số lượng hàng xuất khẩu. Nay thị trường nhập khẩu ngưng trệ, doanh nghiệp sẽ tăng đưa hàng vào thị trường nội tiêu thụ, mặc dù người tiêu dùng trong nước ít sử dụng rau củ đông lạnh (chủ yếu ăn hàng tươi sống).

Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận khách hàng trẻ, bận rộn, ít có thời gian chế biến thực phẩm nên chọn hàng đông lạnh. Hướng đến nhóm khách hàng này, doanh nghiệp chế biến cũng tăng mạnh chủng lại sản phẩm, nâng cao chất lượng để giảm phụ thuộc quá nhiều vào một hay hai thị trường xuất khẩu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan