A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh toán "mua trước trả sau" tại Việt Nam dự kiến đạt hơn 1,1 tỷ USD trong năm nay

Theo số liệu thống kê từ Research & Market, thanh toán mua trước trả sau (BNPL) tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng 126,4% hàng năm để đạt 1.123,9 triệu USD trong năm 2022.

Mua trước trả sau (Buy now pay later - BNPL) là mô hình thanh toán ngắn hạn cho phép khách hàng mua sắm hàng hóa ngay lập tức mà không phải trả toàn bộ chi phí một lần. Theo đó, tiền mua hàng sẽ được tổ chức công nghệ tài chính BNPL thanh toán trực tiếp cho người bán hàng. Khách hàng sẽ hoàn trả dần số tiền này cho tổ chức công nghệ tài chính BNPL theo từng chu kỳ, thường kéo dài trong vòng 1 đến vài tháng.

Cách thức hoạt động này của BNPL cũng gần giống với vay trả góp qua thẻ tín dụng, tuy nhiên BNPL đơn giản hơn nhiều. Theo đó, nếu vay trả góp để thanh toán một sản phẩm nào đó, người dùng sẽ cần các giấy tờ phức tạp như chứng minh chủ sở hữu hay bản thống kê thu nhập. Trong khi đó, thủ tục mua trước trả sau thì chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân cùng số điện thoại chính chủ.

Không chỉ thế, vay trả góp qua thẻ tín dụng tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính còn phải chịu thêm lãi suất theo mỗi kỳ hạn. Một số chương trình mặc dù được quảng cáo là “trả góp lãi suất 0%” nhưng vẫn tồn tại nhiều phụ phí ẩn mà người tiêu dùng phải chịu như phí duy trì, phí chuyển khoản, phí vận hành... Ngược lại, BNPL hoàn toàn không tính lãi suất mà chỉ có phí trả chậm tính theo % giá trị sản phẩm/dịch vụ khi bạn thanh toán trễ hạn.

Đây là một trong những lý do chính khiến phương thức thanh toán này ngày một phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là ở giới trẻ. Những người trẻ hiện nay có xu hướng chủ động về tài chính, họ không ngồi chờ đợi đến khi đủ tiền mới bắt đầu “chốt đơn” mà sẽ lựa chọn mua trước trả sau để vừa sắm được món đồ ưa thích, lại vừa cân đối được chi tiêu hàng tháng.

Theo số liệu thống kê từ Research & Market, thanh toán BNPL tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng 126,4% hàng năm để đạt 1.123,9 triệu USD vào năm 2022. Đồng thời, tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước cũng sẽ tăng hơn gấp 21 lần, từ 496,4 triệu USD năm 2021 lên đến 10.528,1 triệu USD vào năm 2028.

Ông Phạm Nam Anh, Phó tổng giám đốc HENO – một trong những tân binh mới thị trường mua trước trả sau trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, cho rằng BNPL đang là “miếng bánh” béo bở trên thị trường tài chính. Hình thức thanh toán này vốn đã phổ biến trên thế giới nay đang dần bùng nổ tại thị trường Việt Nam.

Ngoài những tên tuổi lớn như Shopee, MoMo đã và đang tích hợp phương thức thanh toán trả sau, thì nhiều fintech BNPL như WowMelo, Atome, Fundiin, Kredivo... cũng đang dần một phổ biến. Các mặt hàng được áp dụng hình thức BNPL hiện nay chủ yếu là các sản phẩm bán lẻ như thời trang, thiết bị công nghệ, mỹ phẩm, đồ gia dụng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp…

Các chuyên gia tài chính đánh giá thanh toán BNPL đang góp phần tạo ra cuộc cách mạng lớn trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng, từ một lựa chọn phương thức thanh toán trở thành yếu tố then chốt trong quyết định mua hàng của khách hàng. Thị trường BNPL cũng được cho là sẽ bùng nổ  tại Việt Nam trong thời gian sắp tới và các thương hiệu BNPL như HENO, Fundiin, Atome... là điển hình minh chứng rõ nét nhất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan