A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung giải pháp cho thu hút vốn FDI

Cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng quyết liệt, khi các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi những quyết sách phù hợp của Chính phủ trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đã gần 6,2 tỷ đô la Mỹ chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư; đăng ký kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ đô la Mỹ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, lần lượt là 28,6%, 25,8% và 18,1%.

oàn toàn có thể kỳ vọng vào bức tranh thu hút vốn ngoại khởi sắc trong thời gian tới

Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào bức tranh thu hút vốn ngoại khởi sắc trong thời gian tới (ảnh: TTXVN)

Đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2022, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ đô la Mỹ, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Namm giảm 35,8% so với cùng kỳ 2021; riêng Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,82 tỷ đô la Mỹ, chiếm 16,9% tăng 53,9% so với cùng kỳ và Đan Mạch đứng thứ ba với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 1,32 tỷ đô la Mỹ chiếm 12,2%.

Dưới tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam, nhiều nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bị ngưng trệ sản xuất, hoặc giảm công suất trong một vài tháng. Tuy nhiên, những khó khăn ngắn hạn không cản trở được niềm tin và kế hoạch dài hạn của các doanh nghiệp này tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, đánh giá chung của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang rất tích cực. Qua khảo sát PCI cuối quý 4/2021 và đầu quý 1/2022 cho thấy, kết quả rất khả quan, chỉ số PCI đã tăng 61 điểm phần trăm, rất nhanh sau quý 3 năm ngoái, khi Việt Nam bị phong tỏa bởi dịch bệnh. Điều đó thể hiện niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu đang ở Việt Nam trong môi trường kinh doanh thời điểm này.

Đưa ra đánh giá chung, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng rất mạnh ở cả khu vực trong nước, ngoài nhà nước và khu vực vốn đầu tư nước ngoài, với tăng trưởng bình quân lên đến gần 9%. Đây thực sự là một trong những điểm khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước trước sự phát triển kinh tế xã hội sắp tới của Việt Nam.

Như vậy, với tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm, cùng sự lạc quan tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư FDI, giới chuyên gia cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào bức tranh thu hút vốn ngoại khởi sắc trong thời gian tới. Dù vậy, cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI đang ngày càng quyết liệt trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để tăng trưởng kinh tế.

Trong báo cáo điều tra PCI năm 2021 cho thấy, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong năm này có sự suy giảm so với năm trước đó. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi là 38,72%, thấp nhất trong 10 năm qua và 47,9% doanh nghiệp bảo lỗ, chỉ 7,8% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Minh cho biết thêm, thách thức của Việt Nam hiện nay có rất nhiều, tiêu biểu là: Thứ nhất, về mặt cơ sở hạ tầng, để thu hút đầu tư vẫn cần phải có nhiều thay đổi mang tính chất tích cực hơn. Thứ hai, hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý và chính sách, đặc biệt về lĩnh vực năng lượng tái tạo. “Hiện chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Công thương để có thể tạo ra một khung pháp lý đơn giản, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế để thu hút nhà đầu tư nhiều hơn”, ông Minh cho hay.

Còn theo GS.TS Raymond Gordon, Hiệu trưởng trường ĐH Anh Quốc bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn được thành phố Hà Nội nới lỏng quy định về việc cấp phép lao động cho lao động nước ngoài nói chung và đặc biệt là những chuyên gia, giảng viên có trình độ cao để vào giảng dạy tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện để thu hút thêm đầu tư nước ngoài tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch”.

Để tiếp tục tạo sức hấp dẫn đồng thời gia tăng hiệu quả với dòng vốn FDI, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào nhiều giải pháp. Trong đó, rà soát điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp biến động của nền kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời xây dựng lợi thế cạnh tranh, đầu tư hệ thống pháp luật minh bạch, dự đoán trên nền tảng phát triển kinh tế thị trường, kết nối an toàn, cân bằng các quy tắc của pháp luật.

Bên cạnh đó, các Bộ ngành và địa phương cần chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, nhất là nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau đứt gãy về nguồn lao động thời gian qua.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan