Tăng cường thanh tra, giám sát ngân hàng đảm bảo an toàn của hệ thống
Ngày 2/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHNN.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Vai trò của công tác thanh tra, giám sát được khẳng định
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn ngành Ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp điều hành theo các Nghị quyết của Chính phủ. Trong 9 tháng vừa qua, hoạt động ngân hàng diễn ra thuận lợi khi tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ ổn định nhưng cũng song hành nhiều thách thức khi tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn còn nhiều diễn biến bất thường.
“Trong bối cảnh đó, công tác thanh tra, giám sát tiếp tục được củng cố, tăng cường và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, an toàn hệ thống tiếp tục được giữ vững, các tổ chức tín dụng yếu kém từng bước được xử lý theo thẩm quyền, nợ xấu được giữ ở mức an toàn; các sai phạm được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời theo quy định của pháp luật; khung pháp lý về hoạt động ngân hàng, quản lý nợ xấu, quản trị rủi ro được hoàn thiện”, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn thông tin.
Trình bày kết quả đã đạt được trong thời gian qua tại Hội nghị, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Trần Đăng Phi cho biết, công tác thanh tra chuyên ngành, việc xây dựng kế hoạch thanh tra và xác định trọng tâm thanh tra trong năm 2022 đã bám sát diễn biến tình hình tiền tệ, nhiệm vụ chính trị của NHNN và định hướng của Thanh tra Chính phủ trong năm 2022.
Với vai trò đầu mối, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã tham mưu, hướng dẫn NHNN các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai công tác thanh tra, giám sát năm 2022 trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng được đổi mới theo hướng thanh tra toàn diện các pháp nhân kết hợp với thanh tra chuyên đề, từng bước áp dụng công tác thanh tra trên cơ sở tập trung các đối tượng, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác thanh tra, giám sát của ngành Ngân hàng đã triển khai hơn 900 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành hơn 700 kết luận thanh tra. Về cơ bản, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đánh giá, các tổ chức tín dụng chấp hành quy định pháp luật, chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN, tập trung các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng. Các tổ chức tín dụng đã quan tâm hơn đến công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, đánh giá kết quả chấp hành của các cán bộ, nhân viên.
Chia sẻ về quá trình thực hiện, Cục phó Cục II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Đậu Thị Mai Hương cho biết, để công tác thanh tra, giám sát được thực hiện chặt chẽ, thống nhất..., Cục II đã báo cáo lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Ban lãnh đạo NHNN xem xét ban hành Quy chế giám sát tăng cường đối với một số tổ chức tín dụng với 6 nội dung cơ bản về phạm vi giám sát, chủ thể giám sát, nội dung giám sát, phương thức giám sát, nội dung và tần suất giám sát, trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN và tổ chức tín dụng trong việc thực hiện giám sát tăng cường. Qua đó, nhiệm vụ giám sát tăng cường được thực hiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
Tại chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng cũng luôn được quan tâm và chỉ đạo sát sao. Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Thu cho biết, để nâng cao chất lượng kết luận thanh tra cũng như nội dung kiểm tra, chi nhánh đã áp dụng một số biện pháp như nâng cao năng lực, nhận thức cán bộ thanh tra thông qua đào tạo tập huấn; có sự đồng hành của người ra quyết định thanh tra, giám sát và thủ trưởng đơn vị trong suốt quá trình đoàn thanh tra triển khai công tác thanh tra… Đồng thời, chi nhánh công bố kết luận thanh tra kịp thời để các tổ chức tín dụng - đối tượng thanh tra kiểm tra có thời gian thực hiện ngay; phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc thực hiện đảm bảo đúng tiến độ; mạnh dạn áp dụng biện pháp theo thẩm quyền xử lý các đơn vị thực hiện chưa nghiêm để đảm bảo nghiêm túc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra...
Toàn cảnh Hội nghị. |
Luôn đảm bảo chặt chẽ, khách quan
Mặc dù thanh tra, giám sát trong hoạt động ngân hàng đạt được những kết quả tích cực, song trong thời gian tới công tác này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị, công tác thanh tra phải đảm bảo chặt chẽ, khách quan. Nhiệm vụ chính của thanh tra, giám sát là phát hiện, cảnh báo, đề xuất các biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. “Đó là nhiệm vụ xuyên suốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hệ thống tín dụng không an toàn sẽ gây hệ luỵ lớn cho nền kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.
Đi vào công tác giám sát, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo, phải giám sát trên diện rộng, toàn diện hoạt động của các tổ chức tín dụng cả vi mô và vĩ mô; công tác tổng hợp số liệu cần phải đổi mới hơn nữa, cán bộ làm công tác này phải có kiến thức về hoạt động ngân hàng. Hiện tại Ban lãnh đạo NHNN cũng đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện sổ tay giám sát ngân hàng; sớm tập huấn cho các cán bộ về Thông tư 08…
Công tác thanh tra phải thường xuyên, liên tục, ngoài thanh tra hằng năm cần tăng cường thanh tra chuyên đề. Trong quá trình thanh tra điều chỉnh linh hoạt, cá thể hoá rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quá trình thanh tra… Sau thanh tra phải đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra. Ngoài thanh tra các ngân hàng thương mại còn thanh tra các Quỹ tín dụng nhân dân. Trước khi thanh tra cần phải tiến hành tập huấn, để cán bộ tham gia nắm rõ mục tiêu của đoàn thanh tra và quy định của pháp luật…
Đặc biệt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị cần đổi mới công tác thanh tra, kết hợp giữa thanh tra tuân thủ và phòng ngừa rủi ro. Tăng cường phối hợp giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng ở địa phương với chi nhánh các tỉnh, thành phố; tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để công tác thanh tra của các tỉnh, thành phố cũng như trung ương có hiệu quả…
Đối với xếp hạng các tổ chức tín dụng theo Thông tư 52, Thống đốc đánh giá đây là quy định vô cùng quan trọng để đảm bảo các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả. Mà việc xếp hạng này dựa trên thông tin từ các tỉnh, thành phố nên chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về thông tin của mình. Nhấn mạnh thanh tra chi nhánh các tỉnh, thành phố rất quan trọng, Thống đốc yêu cầu các chi nhánh các tỉnh thành phố đều phải huy động nguồn lực của đơn vị mình tăng cường thanh tra, giám sát hoàn thành tốt nhiệm vụ chính được giao. Những tỉnh có quy mô lớn thì cần phân bổ hợp lý.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý thêm, chi nhánh các tỉnh thành phố phải tham gia tích cực vào việc triển khai, sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan; tiếp tục tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống tham nhũng.
Về tín dụng, Thống đốc đặc biệt yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, giám sát tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… hay những ngân hàng tập trung tín dụng vào các doanh nghiệp…
Cuối cùng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát về vấn đề vàng, hoạt động đổi tiền, mua bán ngoại tệ…; chi nhánh NHNN các tỉnh thành phố cần nắm bắt các vấn đề dư luận quan tâm để giải thích, tuyên truyền chu đáo.
Nhóm phóng viên
Nguồn: