A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tài chính số giúp khách hàng tiếp cận được dịch vụ tài chính đa dạng với chi phí thấp

Phát biểu tại Diễn đàn Chính sách Khu vực của Hiệp hội Các tổ chức tín dụng nông nghiệp và nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) do Agribank tổ chức ngày 20/7, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá sự phát triển của dịch vụ tài chính số đã đem lại nhiều cơ hội cho ngân hàng cũng như giúp cho khách hàng tiếp cận được những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, tiện ích, phù hợp với nhu cầu và với chi phí thấp.

Diễn đàn là sự kiện trực tiếp có quy mô lớn đầu tiên của APRACA được tổ chức sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh, 60 đại biểu quốc tế đến từ các tổ chức thành viên của APRACA và Bộ, ngành, cơ quan trong nước và một số tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại diễn đàn

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, Liên Hợp quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Nhóm G20 và ASEAN cũng xác định tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển của mình. Đến nay, đã có hơn 80 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Các quốc gia theo đuổi mục tiêu tài chính toàn diện đều triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo trong thiết kế, phân phối các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tập trung vào việc giảm chi phí, đảm bảo an toàn và thuận tiện, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân. Kết quả triển khai thực hiện tài chính toàn diện ở những quốc gia này được ghi nhận đã có đóng góp to lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, tại Việt Nam, nhận thức được vai trò quan trọng của tài chính toàn diện, ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa hết sức to lớn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nổi bật là vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, người nghèo, người thu nhập thấp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững trên khắp các vùng, miền trong cả nước.

Qua hơn 2 năm, việc triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện; các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển mạng lưới, đồng thời phát triển đa dạng các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính trên phạm vi cả nước; các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản hướng đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được chú trọng phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ số với nhiều tiện ích, chi phí thấp, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng; cơ sở hạ tầng thanh toán tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện; Tích cực triển khai các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng tài chính cho người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện các cơ chế chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, hệ thống máy ATM, POS và các điểm cung ứng dịch vụ tài chính được trải rộng khắp các địa bàn trong cả nước. Các TCTD tiếp tục cân đối, tập trung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng đặc thù phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế.

Dịch vụ tài chính số đạt tốc độ tăng trưởng cao. Đến nay, có gần 66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Đơn cử, năm 2021, giao dịch thanh toán qua internet tăng 33%, qua điện thoại di động tăng 88%, qua QR code tăng 126%, qua ví điện tử tăng 82% so với năm 2020. Sự phát triển của dịch vụ tài chính số đã đem lại nhiều cơ hội cho ngân hàng cũng như giúp cho khách hàng tiếp cận được những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, tiện ích, phù hợp với nhu cầu và với chi phí thấp.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vẫn còn khoảng trống trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm, dịch vụ tài chính số phù hợp nhu cầu của các đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá cao nội dung trao đổi tại Diễn đàn. Phó Thống đốc cho rằng, diễn đàn là cơ hội rất quý báu cho hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức tín dụng hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, điển hình là Agribank trong việc chia sẻ, học tập và trao đổi kinh nghiệm với các thành viên APRACA để nhất định không để ai lại phía sau trong tiến trình phát triển của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.

Xây dựng mạng lưới tài chính mở cho nông dân

Phát biểu trực tuyến từ Ấn Độ, ông Govinda Rajulu Chintala, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quốc gia Ấn Độ (NABARD), kiêm Chủ tịch APRACA nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp - nông thôn trong chiến lược kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như khu vực.

Tuy nhiên, ông Govinda Rajulu Chintala cũng chỉ rõ những thách thức nông nghiệp đang đối mặt hiện nay, đặc biệt là vấn đề năng suất thấp, hạ tầng không đồng bộ và biến đổi khí hậu…

"Để hỗ trợ nền nông nghiệp toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, cần thiết phải đảm bảo tài chính quản trị nông nghiệp, trong đó có vai trò quan trọng phát triển tài chính toàn diện phục vụ nông nghiệp - nông thôn - nông dân", ông Govinda Rajulu Chintala nhấn mạnh.

Ông Govinda Rajulu Chintala, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quốc gia Ấn Độ (NABARD), kiêm Chủ tịch APRACA phát biểu trực tuyến từ Ấn Độ

"Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường đào tạo về tài chính toàn diện; xây dựng mạng lưới tài chính mở cho nông dân; xây dựng hồ sơ tín dụng cho các nông hộ… là những giải pháp NABARD thực hiện nhằm hỗ trợ tài chính khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đặc biệt phát triển hệ thống thanh toán và các sản phẩm tiết kiệm, bảo hiểm phù hợp với mọi đối tượng với chi phí giao dịch thấp; đồng thời chú trọng hỗ trợ các nông hộ nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp là mục tiêu để NABARD góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nông dân", ông Govinda Rajulu Chintala chia sẻ.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu Việt Nam, Agribank luôn duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên 65%/tổng dư nợ và chiếm hơn 36% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành trong lĩnh vực này.

Với mạng lưới 2.224 chi nhánh và phòng giao dịch; 68 điểm giao dịch lưu động, 3.635 ATM, CDM cùng các giải pháp tài chính, tín dụng của Agribank đã giúp nông dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển tài chính toàn diện, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ nhằm xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp - nông thôn tại Việt Nam.

Với xu hướng chuyển đổi số, Agribank tăng cường nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ để triển khai đa dạng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, thu hút, phát triển khách hàng.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong giao dịch thanh toán, Agribank đã và đang nghiên cứu mở rộng hợp tác với các tổ chức viễn thông, công nghệ tài chính, tổ chức trung gian thanh toán phát triển các giải pháp công nghệ thanh toán mới dễ sử dụng, có chi phí thấp, thuận tiện và an toàn, phù hợp với các giao dịch thanh toán cá nhân. Đồng thời tập trung phát triển các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi về những vấn đề như xu hướng và cơ hội ứng dụng dịch vụ tài chính số để đạt được các mục tiêu tài chính toàn diện; các mô hình mở rộng nhằm hỗ trợ các nhóm nông dân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời chia sẻ kết quả và kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển tài chính toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Chiều cùng ngày, Hội nghị EXCOM lần thứ 75 được tổ chức với sự tham gia của 18 thành viên chính thức của Uỷ ban Điều hành và hơn 40 đại biểu dự thính từ các tổ chức thành viên. Hội nghị được chủ trì bởi Chủ tịch APRACA và điều hành bởi Tổng Thư ký APRACA với mục đích tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Hiệp hội.

APRACA là một trong bốn Hiệp hội khu vực và quốc tế mà Agribank đang là thành viên. Nhận thấy vai trò quan trọng của Hiệp hội trong khu vực và trên các diễn đàn quốc tế, sự tương đồng về mục tiêu hoạt động, Agribank đã gia nhập và trở thành thành viên Uỷ ban Điều hành APRACA từ năm 1991. Agribank giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của APRACA từ năm 2008 đến 2010 và chủ trì, đăng cai nhiều sự kiện. Agribank được APRACA tín nhiệm chỉ định tham gia 3 Ủy ban, đặc biệt lựa chọn Tổng Thư ký APRACA các nhiệm kỳ từ năm 2008 đến 2016.

Các hoạt động tích cực của APRACA không chỉ mang lại lợi ích, sự gắn kết cho các thành viên mà còn mang tiếng nói của các tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến các diễn đàn quốc tế, khẳng định vai trò quan trọng của Hiệp hội trong khu vực và trên thế giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan