Sau thời gian đua tăng lãi suất, tiền gửi tại nhà băng ra sao?
Sau khoảng một năm duy trì ở mức thấp kỷ lục, từ tháng 4/2024, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất huy động. Nhờ đó, tốc độ tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng cùng tốc độ tăng của lãi suất, thanh khoản hệ thống được hỗ trợ.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 7, lượng tiền gửi vào ngân hàng của dân cư đạt 6,838 triệu tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay. Ngược lại, lượng tiền gửi của tổ chức giảm nhẹ.
Kênh tiết kiệm hấp dẫn khách hàng
Còn theo thống kê của VnBusiness từ báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng, trong 9 tháng năm 2024, tăng trưởng tiền gửi tại một số nhà băng khá tích cực.
Đứng đầu vẫn là 3 ngân hàng quốc doanh: BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Cụ thể, tại BIDV, tổng tiền gửi vào thời điểm cuối tháng 9 đạt trên 1,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 169.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 10%. Tại VietinBank, số dư tiền gửi là 1,51 triệu tỷ đồng, tăng hơn 105.000 tỷ đồng (tăng 7,5%). Tại Vietcombank, số dư tiền gửi là 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 34.373 tỷ (tăng 2,5%).
Lãi suất huy động tăng đã hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. |
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, trong 9 tháng năm 2024, NCB có tăng trưởng tiền gửi dẫn đầu với mức tăng 17,6% so với đầu năm, đạt 90.355 tỷ đồng. Trong khi đó, LPBank huy động được hơn 271.000 tỷ đồng, tăng 14,3%, tương ứng 33.911 tỷ đồng; MB huy động được hơn 627.000 tỷ đồng, tăng 10,6%.
Một số nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng huy động dưới 10% là ACB với hơn 512.000 tỷ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm; Techcombank với gần 495.000 tỷ đồng, tăng 8,9%; VPBank với hơn 475.000 tỷ đồng, tăng 7,6%; SHB với hơn 471.000 tỷ đồng, tăng 5,4%; HDBank với 397.000 tỷ đồng, tăng 7,1%...
Chiều ngược lại, có 3 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm là SaigonBank, PVcomBank và ABBank.
Trong đó, ABBank giảm 8,9%, đạt mức hơn 91.000 tỷ đồng; PVcomBank giảm 2%, đạt mức hơn 174.000 tỷ đồng. SaigonBank giảm 0,5%, đạt hơn 24.400 tỷ đồng, là ngân hàng có lượng tiền gửi thấp nhất hệ thống.
Các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động là lý do giúp kênh tiết kiệm hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, 3 ngân hàng quốc doanh có lượng tiền gửi cao nhất hệ thống nhưng lãi suất huy động vẫn duy trì ổn định trong nhiều tháng qua, như tại thời điểm ngày 5/11, lãi suất tiền gửi cao nhất từ 4,6-4,8%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, nhiều ngân hàng tư nhân đang niêm yết ở mức tiệm cận 6%/năm. Kỳ hạn dài 18 tháng, các ngân hàng quốc doanh cũng chỉ niêm yết ở mức 4,6-4,7%/năm, còn các ngân hàng tư nhân đã vượt mức 6%/năm, có ngân hàng trả lãi tới 6,35%/năm.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có lãi suất huy động kém hấp dẫn hơn nhóm ngân hàng tư nhân, nhưng nhóm ngân hàng quốc doanh có lợi thế về uy tín nhà nước cùng với mối quan hệ với các tập đoàn, tổ chức lớn nên dễ dàng huy động tiền gửi. Những khoản tiền lớn từ các đơn vị này thường xuyên được gửi vào ngân hàng dưới dạng tài khoản thanh toán để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, thanh toán hàng ngày.
Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính quý III, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank, VietinBank, BIDV lên đến hàng trăm tỷ, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng. Điển hình, tại BIDV, đến hết tháng 9, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại nhà băng này là 75.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần số dư hồi đầu năm.
Với VietinBank, quy mô tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đến hết quý III là khoảng 65.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cuối năm ngoái (ở mức hơn 21.000 tỷ đồng).
Tại Vietcombank có số dư hơn 35.000 tỷ đồng, cũng lớn hơn rất nhiều con số 770 tỷ đồng hồi đầu năm.
Theo các chuyên gia, đây là nguồn vốn tốt mà nhiều nhà băng mong muốn, song các ngân hàng tư nhân khó “chen chân”. Bởi để được "chọn mặt gửi tiền", các ngân hàng phải qua 2 vòng đánh giá của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính và tham gia chào thầu, đơn vị nào trả lãi cao sẽ được ưu tiên.
Quay lại với nhóm các ngân hàng tư nhân, các chuyên gia cho rằng nhóm này có nguồn huy động kém linh hoạt hơn so với nhóm ngân hàng quốc doanh, nên phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm, và cũng nhạy cảm hơn trước các đợt tăng lãi suất huy động. Vì vậy, từ tháng 4 đến nay, các ngân hàng tư nhân cũng là nhóm đầu tiên tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm với mức điều chỉnh tăng từ 1-2%.
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động tại các ngân hàng sang quý IV đang có dấu hiệu chững lại, không còn những đợt điều chỉnh tăng liên tiếp như trong các tháng trước.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản (0,5%), đạt mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy xu hướng tăng lãi suất những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động có khả năng duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ, đặc biệt khi kinh tế chịu tác động từ những thiên tai gần đây.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động tăng nhẹ để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và có cấu trúc huy động vốn kém linh hoạt sẽ chịu áp lực cao hơn trong việc giữ ổn định lãi suất huy động.
Huyền Anh