Quốc gia được coi là "thủ phủ may mặc" thế giới có biến, cổ phiếu dệt may Việt Nam tranh thủ bứt phá ngoạn mục
Quốc gia này đã phải đóng cửa tất cả các nhà máy thành viên trong ba ngày, thêm vào đó số lượng đơn hàng còn bị sụt giảm từ 25 - 40%.
Bangladesh là một trong số các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam. Đây là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Với lợi thế lực lượng lao động rất lớn, mức lương rẻ, Bangladesh cũng nổi lên như một quốc gia đầu tư mạnh cho sản xuất xanh, với các nhà máy đạt tiêu chuẩn bền vững.
Hiện tại, Bangladesh đã vượt qua Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 Thế giới với giá trị hơn 50 tỷ USD trong năm 2023, trong khi giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam xếp sau với khoảng 40 tỷ USD.
Dệt may Bangladeh gặp khó...
Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin chỉ ra rằng dệt may tại Bangladesh đang gặp bất lợi thời gian gần đây. Theo thông tin từ Nikkei Asia, ngày 4/8/2024 tại Bangladesh đã xảy ra cuộc đụng độ khiến ít nhất 91 người thiệt mạng khi những người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Các cuộc tấn công xảy ra tại các đồn cảnh sát, văn phòng đảng cầm quyền và các nhà máy may mặc.
Trước tình trạng bất ổn này, chính phủ đã tuyên bố lệnh giới nghiêm toàn quốc vô thời hạn bắt đầu từ 6 giờ tối Chủ Nhật, lần đầu tiên thực hiện động thái như vậy trong các cuộc biểu tình hiện tại bắt đầu vào tháng trước.
Hiệp hội Nhà máy Dệt Bangladesh đã thông báo đóng cửa tất cả các nhà máy thành viên trong ba ngày, theo quyết định của chính phủ về ba ngày nghỉ chung.
Không những vậy, hiện tại Theo Báo Business Standard của Bangladesh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25 - 40%. Đó là chưa kể đến giá xuất khẩu cũng đang phải chịu sự sụt giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu sụt giảm trên thế giới, nhu cầu từ Tây Âu sụt giảm do lạm phát hay nhập khẩu từ Nga cũng giảm sâu. Một số doanh nghiệp, trước xuất khẩu được sang Nga giá trị hơn 1 triệu USD/tháng thì nay tụt về bằng 0.
Nnguyên nhân quan trọng hơn đó là cuộc khủng hoảng nguồn khí đốt mà nhiều Bangladesh đang phải đối mặt. Tình hình ngân sách eo hẹp được cho đã buộc chính phủ Bangladesh phải cắt giảm trợ cấp khí đốt. Đơn hàng vốn đã eo hẹp hơn trước, nhưng khi có đơn hàng thì nhiều doanh nghiệp cũng đã phải quyết định bỏ đơn. Dệt may vốn là ngành thâm dụng khí đốt. Trong nhiều trường hợp chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Bangladesh nay còn cao hơn giá có thể xuất khẩu trên thị trường.
Ngân hàng Phát triển châu Á mới đây đã phải cảnh báo việc quá phụ thuộc vào ngành dệt may đã và đang gây ra nguy cơ lớn và lâu dài đối với nền kinh tế Bangladesh. Nghiên cứu của ADB cũng chỉ ra không chỉ quá phụ thuộc vào xuất khẩu dệt may, các thị trường của dệt may Bangladesh cũng đang thiếu đi sự đa dạng cần thiết. 4/5 tổng lượng xuất khẩu của nước này hiện nay là bị bó hẹp ở các thị trường ở Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu.
Là lợi thế cho dệt may Việt Nam
Là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam, với tình hình trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá rằng sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn bởi 3 lý do chính:
Thứ nhất, tạm thời năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút (giữa mùa Hot, đang sản xuất hàng cho mùa đông). Nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.
Thứ hai, niềm tin của khách hàng dối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút,
Thứ ba, sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh. Như vậy lợi thế về cho phí nhân công của Bangladesh sẽ bị giảm sút.
Thực tế, thị trường dệt may Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc hơn.
Tính chung xuất khẩu toàn ngành dệt may 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5/2024 suy giảm mạnh 16%).
Trong một chia sẻ gần đây, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định: "Sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện, mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD”.
Cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may "tranh thủ" tăng tốc
Trước những thông tin khá tích cực, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp dệt may "tranh thủ" bứt phá trong phiên giao dịch 8/8. Hàng loạt cái tên như TNG (Đầu tư và Thương mại TNG), TCM (Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công), GIL (Gilimex), STK (Sợi Thế Kỷ), HDM (Dệt May Huế),… nhuộm sắc xanh với mức tăng trên 3% tới gần 6% giá trị. Thậm chí cổ phiếu MSH của May Sông Hồng tăng hết biên độ với mức tăng 7% lên mức giá 47.500 đồng/cp.
Tính rộng hơn từ đầu năm, nhiều cổ phiếu còn chứng kiến mức tăng ấn tượng: MSH (+27%), TCM (+29%), TNG (+46%),… Đáng chú ý, thị giá HTG (Dệt may Hòa Thọ) tăng tốc 42% kể từ hồi đầu năm, hiện đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử.
Ngọc Ly