A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng tăng kỷ lục 'thời Basel II'

Giá trị phát hành giấy tờ có giá gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu... tăng cao nhằm đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giá trị giấy tờ có giá của nhiều ngân hàng phát hành tăng hơn 100% trong năm 2019. Phát hành trái phiếu và chào bán chứng chỉ tiền gửi chỉ tiềm ẩn rủi ro lãi suất và ảnh hưởng lợi nhuận ngân hàng.

Theo thống kê của Người Đồng Hành với 22 ngân hàng, tổng giá trị khoản phát hành giấy tờ có giá (chủ yếu là trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu) năm 2019 ở mức 440.875 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước, tương đương 145.883 tỷ đồng, cao kỷ lục.

Tại Viet Capital Bank, giá trị phát hành giấy tờ có giá nâng từ 10 triệu đồng lên 2.430 tỷ đồng. BacABank tăng 3,6 lần từ 1.334 tỷ đồng lên 6.134 tỷ đồng, theo sau là KienLongBank tăng 3 lần 1.200 tỷ đồng. LienVietPostBank ghi nhận giá trị mục này cao hơn 178%, ở mức 28.150 tỷ đồng.

Phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng tăng kỷ lục thời Basel II - Ảnh 1.

Thay đổi giá trị phát hành giấy tờ có giá 2018-2019. Đơn vị: tỷ đồng, %

Một số đơn vị tăng trưởng giá trị phát hành giấy tờ có giá 3 con số gồm ABBank tăng 167%, ACB 151%, VietBank 150%, MB 135%. Phần lớn ngân hàng còn lại đều ghi nhận giá trị mục này cao hơn so với 2018, trừ NCB và Vietcombank.

Xét về giá trị tuyệt đối, BIDV dẫn đầu tăng hơn 22.780 tỷ đồng so với năm 2018, cao nhất trong số ngân hàng được khảo sát. Ngân hàng này cũng giữ ngôi vương về giá trị giấy tờ có giá với 62.772 tỷ đồng. Theo thống kê của Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI - SSI Research, năm 2019, BIDV chào bán thành công 18.371 tỷ đồng trái phiếu, cao nhất thị trường.

Phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng tăng kỷ lục thời Basel II - Ảnh 2.

Giá trị phát hành giấy tờ có giá của các ngân hàng các năm. Đơn vị: tỷ đồng.

LienVietPostBank xếp sau, tăng hơn 18.000 tỷ đồng giấy tờ có giá, MB tăng hơn 15.100 tỷ đồng và ACB, VietinBank tăng lần lượt 12.540 tỷ đồng và 10.850 tỷ đồng. Những ngân hàng này liên tục chào bán trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi ra công chúng. Cụ thể, ACB năm qua đã chào bán 11.950 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 6,7-6,8%. VietinBank đã chào bán hơn 5.550 tỷ đồng.

Trong khi đó, MB đã phát hành hơn 19.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi năm qua với đa dạng kỳ hạn 1-37 tháng. Một số đơn vị khác cũng thực hiện nhiều chương trình huy động chứng chỉ tiền gửi nhưng không công bố kết quả như SHB chào bán chứng chỉ tiền gửi lãi suất 8,6-8,9%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng, hay Sacombank với kỳ hạn 5 năm +1 ngày lãi suất 8,48-8,88%/năm, LienVietPostBank lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 15-36 tháng…

Năm 2019 là hạn chót để các ngân hàng chuẩn bị cho việc áp dụng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo cách tính của Thông tư 41/2016 (Basel II theo phương thức cơ bản) và đón đầu việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% từ 1/1/2020, giảm dần còn 30% từ tháng 10/2022. Do đó, nhiều ngân hàng đã triển khai tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu (kỳ hạn trên 5 năm và không được đảm bảo bởi tổ chức tín dụng) để đẩy vốn cấp 2 và chào bán chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài.

Tiềm ẩn rủi ro

Xu hướng tăng giá trị giấy tờ có giá đã xuất hiện từ năm 2016, sau khi Thông tư 41 được công bố, tiếp tục trong 3 năm qua và cao điểm trong năm 2019, khi có lộ trình chính thức của Thông tư 22/2019 được thông báo.

Sacombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank, NCB có đà tăng phát hành giấy tờ có giá cao nhất trong hệ thống trong 5 năm qua. Với Sacombank, giá trị giấy tờ có giá tăng đột biến vào năm 2017 từ chưa tới 1 tỷ đồng lên hơn 5.600 tỷ đồng, tiếp tục tăng trong 2 năm sau và đạt 9.490 tỷ đồng vào 2019.

TPBank cũng bắt đầu ghi nhận phát hành giấy tờ có giá từ năm 2017 với hơn 3.481 tỷ đồng và tăng hơn 3 lần lên 14.426 tỷ đồng vào cuối 2019. LienVietPostBank và NCB ghi nhận giá trị mục này từ cuối 2015 và tăng 13 lần tại thời điểm kết thúc 2019 lần lượt 28.160 tỷ đồng và 2.704 tỷ đồng. Riêng NCB, năm 2018, ngân hàng này ghi nhận giá trị giấy tờ có giá hơn 9.184 tỷ đồng nhưng đã giảm 72% trong năm qua.

Phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng tăng kỷ lục thời Basel II - Ảnh 3.

Giá trị phát hành giấy tờ có giá của các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng.

 

Bên cạnh chứng chỉ tiền gửi, việc phát hành trái phiếu sẽ giúp ngân hàng giải quyết vấn đề về vốn cấp 2 và áp lực giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, đây chỉ là vấn đề tạm thời và có thể tác động đến lãi suất, ảnh hưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng phát hành trái phiếu là giải pháp mang tính thời điểm. Lạm dụng cách này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi huy động vốn trung - dài hạn thường có lãi suất cao. Bên cạnh đó, tới thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả lại một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho nhà băng trong huy động để tiếp tục duy trì vốn cấp 2.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng nhận định phát hành trái phiếu chỉ được tính vào vốn cấp 2 và mức tối đa vốn cấp 2 được tính vào vốn tự có của ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tương đương 50% vốn cấp 1. Các ngân hàng thương mại không thể chỉ dựa vào vốn cấp 2 để đáp ứng quy định về an toàn vốn. Giải quyết gốc gác bài toán tăng vốn vẫn phải là thông qua chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư, tức tăng vốn cấp 1.

Tương tự với chứng chỉ tiền gửi, việc huy động qua kênh này để mở rộng vốn trung và dài hạn có thể đẩy lãi suất tăng cao. Vào tháng 8/2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chỉ đạo các nhà băng kiểm soát chặt việc huy động vốn khi thấy một số đơn vị tăng lãi suất tiền gửi nhanh ở một số kỳ hạn, phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.

Nhà điều hành cho rằng động thái tăng lãi suất tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến và tâm lý tiêu cực, có nguy cơ dẫn tới cuộc đua về lãi suất huy động, gây bất ổn thị trường tiền tệ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan