Nợ công giảm mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,2% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, sáng ngày 14/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Toàn cảnh phiên họp |
Tiền tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát đã có báo cáo đầy đủ kết quả giám sát chuyên đề.
Theo đó, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát; xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo chuyên đề giám sát. Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Để chuẩn bị tài liệu làm việc, giám sát tại Bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát đã thành lập các Tổ công tác khảo sát, làm việc, chuẩn bị các báo cáo đánh giá kết quả làm việc bước đầu với các bộ, ngành, địa phương.
Về tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Quốc hội đề ra.
Các kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn này đã góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh (bình quân mức tăng GDP đạt 6,8% trong các năm 2016-2019). Các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm ngày càng vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.
Việc quản lý, sử dụng NSNN, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực. Quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; bảo đảm kinh phí thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng và thực hiện chuẩn nghèo đa chiều.
“Tổng số tiền tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,2% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn”, ông Nguyễn Phú Cường cho biết.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đạt được những kết quả bước đầu. Tình trạng sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản lãng phí từng bước được khắc phục. Một số địa phương đã chú trọng xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản Nhà nước lớn, có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản Nhà nước, đất đai và tài nguyên, khoáng sản.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường, kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Qua công tác giám sát đã giúp các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm hơn trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của Đoàn giám sát và giám sát chuyên đề của Quốc hội đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế này.
Cần "lượng hoá" được các con số về thất thoát, lãng phí
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là cuộc giám sát chuyên đề rất thiết thực trong việc sử dụng nguồn lực quốc gia và phát triển đất nước (như sử dụng đất đai, chủ trương đầu tư), tạo chuyển biến bước đầu quan trọng trong nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, bộ ngành, địa phương trong phối hợp để giám sát chuyên đề và đã chỉ ra kết quả đạt được trong xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm được hơn 350 nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn ha đất, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường cũng lưu ý: “Đoàn giám sát cần "lượng hoá" được các con số về thất thoát, lãng phí để có cái nhìn toàn diện, nhất là các số liệu về tài sản công, đất đai…”.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là cuộc giám sát có quy mô lớn, huy động sự vào cuộc của 63 đoàn đại biểu Quốc hội và 63 HĐND tỉnh thành tham gia, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương với hàng vạn trang tài liệu, có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, cụ thể của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với các hoạt động của Đoàn giám sát để đạt được những kết quả khả quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chất lượng cuộc giám sát đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra, có được kết quả tốt, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này, song hành với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện.
"Trong Nghị quyết này, Quốc hội nên phát động Cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để công tác này ngày càng thực chất, thiết thực, hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội cũng lư ý: “cần cụ thể hoá các số liệu trong báo cáo giám sát như tổng số đất nông lâm trường để hoang hoá là bao nhiêu? Dự án nào, ở đâu còn để lãng phí? Những vấn đề này cần được đưa vào danh mục, phụ lục của báo cáo giám sát… Đồng thời, Báo cáo giám sát cũng phải chỉ rõ những địa phương, đơn vị, bộ ngành làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những điển hình cần biểu dương”.
Theo dự kiến, Báo cáo giám sát chuyên đề này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.