Những điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2023
Bất chấp nhiễu động từ nền kinh tế thế giới, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam 2023 vẫn đón nhận nhiều "nốt thăng" đầy tích cực.
Bất chấp nhiễu động từ nền kinh tế thế giới, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam 2023 vẫn đón nhận nhiều "nốt thăng" đầy tích cực.
Gam màu sáng của bức tranh kinh tế
2023 được đánh giá là một năm đầy khó khăn của kinh tế Việt Nam khi thách thức kéo dài, nhiều hơn cơ hội. Đánh giá này xuất phát từ bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa hồi sức hoàn toàn sau hậu Covid-19, chỉ số lạm phát ở nhiều nước tăng cao cùng xung đột chính trị cục bộ.
Trải qua gần một năm, con tàu kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận những chỉ số lạc quan. Theo đó, kinh tế vĩ mô được nhận định tiếp tục ổn định. Tăng trưởng kinh tế quý III/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Lạm phát được kiểm soát, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát.
Tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 322,5 tỷ USD. Đặc biệt, nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất siêu đạt 25,83 tỷ USD.
Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ năm 2022. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 cũng là chỉ số đầy tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế giảm sút. Vốn FDI thực hiện 9 tháng ước đạt 15,9 tỷ USD, là số vốn thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm 2018-2023, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay đạt khoảng 100 tỷ USD, năm 2024 lên hơn 110 tỷ USD. Số liệu được FiinGroup trích nguồn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, đây là mức khá an toàn, tương đương khoảng 17 - 18 tuần nhập khẩu. Điều này góp phần giúp Việt Nam có thêm dư địa ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát thời gian tới được dự báo không phải rủi ro lớn với nền kinh tế.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: Kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là một thành công. giữa thế giới bất ổn.
Chính sách điều hành kịp thời, linh hoạt của Chính phủ
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam được đánh giá đến từ nỗ lực điều hành sát sao của Chính phủ. Trong suốt năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết và Chỉ thị,…
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Chính sách tài khóa được thực hiện có trọng tâm nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đầu ra trầm lắng. Nhằm hỗ trợ thanh khoản, xử lý vấn đề thiếu vốn của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế, Chính phủ cũng thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh có khả năng tiếp cận vốn.
Nhiều cuộc họp giữa Chính phủ, lãnh đạo các bộ ban ngành và các doanh nghiệp được tổ chức kịp thời. Các cuộc họp đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ đã nhanh chóng thành lập các tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực nóng. Cuối năm 2022, Tổ công tác của Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp chính thức ra đời. Đến tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 235/QĐ-TTg thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cũng trong năm 2023, Chính phủ triển khai tích cực, hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, đặc biệt là xây dựng, tổ chức triển khai các thỏa thuận cấp cao, tạo điều kiện xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài.
Với loạt chính sách điều hành kịp thời và quyết liệt, bức tranh kinh tế Việt Nam đã có nét chuyển màu rõ nét khi các chỉ số đạt được tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Lực đẩy cho năm 2024
Những chỉ số lạc quan của nền kinh tế năm 2023 là lực đẩy cho "con tàu" kinh tế Việt Nam năm 2024. Nhiều tổ chức đưa ra dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Đơn cử như, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 trong bối cảnh chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế.
Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố mới nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam được dự báo sẽ duy trì ở mức 6%.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024 trong đó ở kịch bản cơ sở (dễ xảy ra), GDP tăng 6%, kịch bản cao là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%.
Trong Kỳ họp thứ 6 vừa kết thúc, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6 - 6,5%, tương tự như năm 2023. Trước mục tiêu mới năm 2024, Chính phủ đặt ra ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước.
Với tinh thần quyết liệt, bám sát thực tiễn cũng như các vấn đề nóng của dư luận, xã hội để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, con tàu kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ chạm mục tiêu đặt ra trong bối cảnh nhiều thách thức đặt ra.
Theo Long Ấn
Nhịp sống kinh tế
Link bài gốc Lấy link! http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nhung-diem-sang-noi-bat-cua-kinh-te-viet-nam-trong-nam-2023-20231229071059874.htm