Nhật Bản chấm dứt chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới
Trong cuộc họp chính sách mới nhất ngày 19/3, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, chấm dứt chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới nhờ những dấu hiệu ban đầu về mức tăng lương mạnh mẽ trong năm nay.
Kết thúc kỷ nguyên lãi suất âm
Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BOJ đã tăng lãi suất ngắn hạn 0,1%, từ mức -0,1% lên khoảng 0%, đánh dấu lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2007. Đồng thời, đây cũng là dấu chấm hết của kỷ nguyên lãi suất âm mà nước này đã áp dụng từ năm 2016 và đến nay cũng là chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới.
Ông Izumi Devalier, người đứng đầu bộ phận kinh tế Nhật Bản tại BofA Securities, cho biết: “Đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, vì vậy nó có rất nhiều ý nghĩa mang tính biểu tượng”.
Tuy nhiêm, bà Izumi cũng cho rằng "tác động thực tế đến nền kinh tế là rất nhỏ”, đồng thời lưu ý rằng BOJ có thể sẽ duy trì quyết tâm duy trì các điều kiện tiền tệ lỏng lẻo.
BOJ cũng tuyên bố bãi bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) triệt để đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm, chính sách mà ngân hàng trung ương đã sử dụng để nhắm mục tiêu lãi suất dài hạn hơn bằng cách mua và bán trái phiếu khi cần thiết.
Bên cạnh đó, BOJ cho biết họ sẽ ngừng mua các quỹ giao dịch trao đổi và quỹ tín thác đầu tư bất động sản Nhật Bản (J-REITS), đồng thời sẽ giảm dần việc mua trái phiếu doanh nghiệp và đặt mục tiêu dừng hoạt động này trong khoảng một năm. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản với số lượng tương đương như trước đây.
Động thái của BOJ sau 17 năm cho thấy sự thay đổi chiến lược trong chính sách tiền tệ của nước này. Trước đó, BOJ kiên quyết duy trì việc thả lỏng tiền tệ dù lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - vượt quá mục tiêu 2% trong hơn một năm, bởi vì các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc tăng giá phần lớn là do nhập khẩu.
Kết quả từ đợt tăng lương mùa xuân
Cuối tuần trước, Rengo, liên đoàn công đoàn lớn nhất Nhật Bản cho biết các cuộc đàm phán về lương mùa xuân, còn được gọi là “shunto”, đang diễn ra giữa Japan Inc và các công nhân trong công đoàn của họ cho đến nay đã mang lại mức tăng lương cơ bản trung bình có trọng số là 3,7%.
Mức tăng này thậm chí còn cao hơn mức tăng 3% ghi nhận vào năm ngoái - mức tăng đột biến nhất trong 3 thập kỷ.
Việc các công ty Nhật Bản đồng ý tăng lương làm tăng kỳ vọng rằng mức lương cao hơn sẽ khiến thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình. Đó là điều mà BOJ gọi là chu kỳ tăng giá đi kèm với tăng lương. Đây cũng được coi là yếu tố hàng đầu khiến BOJ quyết định đảo ngược chính sách tiền tệ của mình - trước đây dựa vào lãi suất âm để kích thích tiêu dùng.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhiều lần cho biết kết quả của cuộc đàm phán tiền lương “shunto” hàng năm năm nay sẽ là chìa khóa để tăng giá bền vững.
Ý nghĩa gì với nền kinh tế Nhật Bản?
Việc kết thúc lãi suất âm sẽ là bước đầu tiên trong việc dỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ của Nhật Bản, nhằm đưa nền kinh tế nước này vào con đường tăng trưởng tự duy trì.
Trong nhiều năm, giá cả giảm đã đưa nền kinh tế này vào một chu kỳ đi xuống, trong đó các công ty phải cắt giảm chi phí để cạnh tranh, thậm chí đôi khi phải hy sinh cả lợi nhuận của mình. Vòng xoáy đi xuống này khiến họ không thể đầu tư và tăng lương, gây áp lực lên tiêu dùng và kéo giá cả.
Giờ đây, Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng điều ngược lại sẽ diễn ra, khi đầu tư, giá cả và tiền lương đều tăng song song.
Việc này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới đồng Yên, kéo lại tỷ giá cho đồng tiền quốc gia này sau thời gian dài mất giá trầm trọng.
Việc chấm dứt kỷ nguyên vốn giá rẻ cuối cùng còn sót lại trên thế giới cũng có thể gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư Nhật Bản, những người tích lũy đầu tư ở nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận, chuyển tiền về nước họ.
Câu hỏi được đặt ra tiếp theo sẽ là BOJ sẽ áp dụng lãi suất chính sách ở mức cao như thế nào.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã chỉ ra rằng các thiết lập tiền tệ tổng thể của ngân hàng sẽ duy trì ở "mức phù hợp" trong một thời gian, có nghĩa là ông sẽ không tiến hành một loạt đợt tăng lãi suất như đã thấy ở Mỹ và các nơi khác trong những năm gần đây. Sự suy yếu trong tiêu dùng ở Nhật Bản sẽ cần phải thận trọng khi BOJ điều hướng con đường chính sách của mình trong kỷ nguyên mới.