Nguyên nhân nào khiến nhóm cổ chứng nóng trở lại?
Sau thời gian "lặng sóng", cổ phiếu nhóm chứng khoán bất ngờ có dấu hiệu bứt tốc trở lại. Dự báo nhóm cổ phiếu này sẽ "làm nên chuyện" trong năm 2025.
VN-Index phiên 16/1 bất ngờ chứng kiến cổ phiếu của các công ty chứng khoán đồng loạt "bốc đầu" cùng thanh khoản nằm trong top sôi động nhất thị trường.
Có tín hiệu bứt tốc
Cổ phiếu VND (VNDirect) là cái tên gây ấn tượng nhất khi tăng kịch trần ngay đầu phiên với thanh khoản tăng vọt, đứng đầu toàn thị trường. Các cổ phiếu SSI, VCI, HCM, MBS, SHS, CTS,… cũng đua nhau tăng mạnh.
Trước đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán gần như "lặng sóng" trong thời gian khá dài. Một số cổ phiếu vẫn neo giá gần đỉnh lịch sử như HCM, MBS, FTS,… có xu hướng “sidewaydown”. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu điều chỉnh khá sâu, thậm chí thủng đáy dài hạn như trường hợp của VND.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán bất ngờ tăng "bốc đầu" trong phiên 16/1. |
Thị trường chứng khoán (TTCK) "lặng sóng" cùng thanh khoản teo tóp là một phần nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán mất “sức hút”.
Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đã liên tục giảm nhiều tháng qua. Thậm chí, từ đầu năm 2025 tới nay, thanh khoản khớp lệnh trung bình chỉ còn 9.500 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong vòng 2 năm.
Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của mảng môi giới và đầu tư tại các công ty chứng khoán (CTCK), bởi đây là lĩnh vực có phần đặc thù. Cổ phiếu ngành chứng khoán gắn liền với biến động của thị trường chung do những thay đổi đều có thể tác động tới kết quả kinh doanh.
Ngược thời gian, năm 2024 là một năm nhiều biến động của TTCK, đồng thời cũng là năm biến động của nhóm cổ phiếu ngành này.
Các cổ phiếu ngành chứng khoán có kết quả tăng trưởng vượt trội so với thị trường trong quý I/2024. Giai đoạn sôi động khi VN-Index ghi nhận mức tăng hai chữ số, tiến gần 1.300 điểm với thanh khoản trung bình phiên ở mức cao.
Sự sôi động của thị trường cũng làm tăng kỳ vọng tích cực về hoạt động kinh doanh khi các mảng chủ chốt của các CTCK, như cho vay ký quỹ, môi giới hay tự doanh gắn liền với diễn biến chung.
Thực tế, xét từ báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp chứng khoán trong năm 2024, cho vay ký quỹ và tự doanh là hai cấu phần chính. Doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ đóng góp 36% vào tổng doanh thu, nhờ dư nợ cho vay ký quỹ tăng 33% so với cùng kỳ, còn doanh thu từ hoạt động tự doanh đóng góp 26%.
Tuy nhiên, trong nửa sau của năm 2024, hiệu suất của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán giảm dần trong bối cảnh lãi suất huy động bắt đầu nhích tăng và diễn biến thị trường kém tích cực. Giao dịch khối ngoại bán ròng mạnh trong năm, cùng áp lực từ tỷ giá khiến thị trường chung bị ảnh hưởng, các CTCK cũng không nằm ngoài "con sóng". Thanh khoản thu hẹp, tâm lý thận trọng chiếm ưu thế khiến sự quan tâm của thị trường với nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm dần.
Các cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá tích cực chủ yếu là các công ty đã thực hiện tăng vốn sớm trong năm 2024, bao gồm MBS (51%), BVS (48,5%), FTS (33,4%) hay HCM (29,2%), và ngược lại - cổ phiếu giảm giá là các công ty gặp nhiều khó khăn về quản trị doanh nghiệp, bao gồm: APG (giảm 45,1%) hay VND (giảm 33,3%). Tính chung cả nhóm ngành chứng khoán, hiệu suất chung giảm gần 1% trong năm 2024, so với mức tăng hơn 12% của VN-Index.
Bước vào năm 2025 với nhiều kỳ vọng
Năm nay, với những dự báo tích cực về thị trường chung, cùng động lực từ việc thay đổi chính sách và câu chuyện nâng hạng thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán trở lại "watchlist" (danh sách theo dõi) của nhiều nhà đầu tư.
Theo SSI Research, việc sửa đổi Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 sẽ tạo tiền đề cho quy định về cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) được áp dụng - gỡ nút thắt quan trọng về việc nâng hạng TTCK Việt Nam. Về thủ tục niêm yết, những thay đổi mới trong quy trình IPO và niêm yết, nếu công ty thỏa mãn điều kiện về vốn điều lệ và tình hình tài chính, có thể giúp thị trường bắt đầu sôi động trở lại.
Về trung và dài hạn, việc triển khai hệ thống KRX (khả năng trong 2025) cũng có thể tạo cơ chế cho việc triển khai các sản phẩm mới và thu hút sự quan tâm của các bên tham gia thị trường, như: bán khống, giao dịch trong ngày và hợp đồng quyền chọn, hay mở rộng ra nhiều sản phẩm giao dịch khác.
Dựa trên quan điểm thận trọng về thanh khoản thị trường, SSI Research ước tính tăng trưởng doanh thu của các CTCK sẽ có phần nào hạn chế trong năm 2025 nhưng tăng trưởng lợi nhuận có thể cải thiện nhờ việc cắt giảm chi phí hoạt động.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với sản phẩm đầu tư còn sơ khai, TTCK Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm đầu tư mới, phù hợp theo xu hướng chung của thế giới khi thị trường nâng hạng. Do đó, các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi khi lượng khách hàng mới (cả trong và ngoài nước) tham gia đầu tư sản phẩm mới tăng lên. Lúc đó, nhu cầu vay ký quỹ sẽ tăng mạnh, giúp các CTCK gia tăng lợi nhuận.
Trong năm 2024, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có những nhịp tăng giảm đan xen, phản ánh thực trạng phân hóa của thị trường chung cùng với diễn biến vận hành hệ thống KRX không như kỳ vọng.
Hiện tại, định giá P/E của ngành chứng khoán là 20,2 lần và P/B là 1,9 lần, tức đang nhỉnh hơn so với mức định giá trung bình 5 năm lần lượt là 16,8 lần và 1,6 lần. Mặc dù chưa hấp dẫn nhưng với kỳ vọng số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục gia tăng trong 2 năm tới, cùng triển vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025, các CTCK sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhờ thanh khoản mở rộng.
Hơn nữa, mức định giá hiện tại đang tiệm cận với hệ số định giá trung bình của 3 năm qua. Điều này cho thấy mức định giá của các CTCK có phần tương đồng với diễn biến thanh khoản giao dịch trên TTCK trong nước.
Ngoài ra, dư địa tham gia của nhóm nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục gia tăng khi mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp. Nền tảng của ngành ngày càng vững mạnh khi các CTCK liên tục huy động thêm nguồn vốn chủ sở hữu mới. Đây là những động lực để thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trong thời gian tới. Qua đó, nhiều khả năng mức định giá của ngành chứng khoán còn mở rộng.
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét và lựa chọn đầu tư đối với nhóm cổ phiếu có lợi thế về khai thác khách hàng tổ chức để đón đầu dòng vốn ngoại, có nguồn lực mạnh mẽ và đang ở mức định giá hấp dẫn như VCI và HCM.
Đối với nhóm cổ phiếu định giá hấp dẫn nhưng đang gặp khó khăn về việc giữ thị phần như SSI, VND hay nhóm cổ phiếu cỡ trung và có định giá tương đối cao như FTS, BSI, MBS, nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân tại các nhịp điều chỉnh để đảm bảo lợi suất đầu tư cao.
Hải Giang