Ngành Thuế: Xây dựng niềm tin từ chính sách minh bạch và hỗ trợ hiệu quả
Chia sẻ với báo chí, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, thông qua các chính sách linh hoạt, cải cách hành chính và chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành Thuế đã góp phần giảm áp lực tài chính, thúc đẩy phát triển bền vững, và gia tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại.
Ông Mạc Quốc Anh: Chúng ta cần khẳng định rằng ngành Thuế đã và đang giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Vai trò này không chỉ giới hạn trong nhiệm vụ thu ngân sách, mà còn mở rộng sang việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những thách thức, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Các chính sách thuế linh hoạt và các biện pháp hỗ trợ của ngành Thuế trong những năm qua đã giúp giảm áp lực tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo động lực để doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững. Nhờ những nỗ lực đó, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách thuế của Nhà nước ngày càng được củng cố.
Phóng viên: Thời gian qua, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã thực thi sát sao các chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực này của ngành Thuế?
Ông Mạc Quốc Anh: Từ năm 2021 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế. Trước tiên phải kể đến chính sách giảm thuế, gia hạn thuế và hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19. Điển hình là việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Chỉ riêng trong năm 2021 (thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19), hơn 190.000 tỷ đồng đã được gia hạn cho doanh nghiệp, giúp họ giảm bớt áp lực tài chính và tập trung vào phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã tạo ra tác động tích cực. Mỗi năm, hàng chục nghìn doanh nghiệp mới được thành lập nhờ các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, việc giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp đã giúp hơn 140.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì hoạt động và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Các chính sách ưu đãi thuế cũng được triển khai quyết liệt để khuyến khích chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, như giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường. Đây là những bước tiến quan trọng giúp các doanh nghiệp vừa phục hồi, vừa hướng đến phát triển lâu dài.
Phóng viên: Một trong những điểm sáng trong cải cách hành chính của ngành Thuế đó chính là việc chuyển đổi số mạnh mẽ bằng các ứng dụng công nghệ thông tin. Ông đánh giá như thế nào về kết quả mà ngành Thuế đã đạt được?
Ông Mạc Quốc Anh: Những thành tựu đạt ngành Thuế được trong những năm qua thực sự đáng ghi nhận. Trong lĩnh vực số hóa, ngành Thuế đã triển khai ứng dụng Etax Mobile, cung cấp dịch vụ thuế điện tử thuận tiện cho người nộp thuế cá nhân, với hơn 4,5 triệu người dùng đăng ký tính đến năm 2024. Việc tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ giải đáp thắc mắc thuế đã giúp xử lý nhanh hơn 70% yêu cầu từ doanh nghiệp, so với mức trước đây vào năm 2021.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã đẩy mạnh chuyển đổi số với việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử từ năm 2022 theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử, không chỉ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí in ấn và lưu trữ, mà còn tăng cường minh bạch trong các giao dịch kinh tế. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực cải thiện dịch vụ của ngành Thuế.
Một điểm sáng khác là chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới, thời gian dành cho tuân thủ thuế tại Việt Nam đã giảm từ 384 giờ/năm vào năm 2016 xuống còn 189 giờ/năm vào năm 2023. Đây là kết quả của những nỗ lực liên tục trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch.
Phóng viên: Theo ông, ngành Thuế cần làm gì để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Ông Mạc Quốc Anh: Ngành Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo hệ thống quản lý thuế hoạt động ổn định, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm nộp thuế. Bên cạnh đó, cần mở rộng các dịch vụ thuế qua di động, nâng cấp ứng dụng Etax Mobile để hỗ trợ đa ngôn ngữ và tích hợp thêm các công cụ nhắc nhở lịch nộp thuế. Việc phối hợp liên ngành với Ngân hàng, Hải quan và Bảo hiểm xã hội cũng rất quan trọng để đồng bộ hóa dữ liệu, giảm thiểu thủ tục chồng chéo.
Ngoài ra, ngành Thuế nên tiếp tục cải cách chính sách thuế, chẳng hạn như áp dụng thuế suất ưu đãi thấp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025, và miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo về chính sách thuế cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận dịch vụ thuế hiện đại của doanh nghiệp, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Tôi tin rằng, với những định hướng và giải pháp như vậy, ngành Thuế sẽ tiếp tục đóng vai trò là người đồng hành đáng tin cậy của doanh nghiệp, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!