A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Nhà nước phân bổ lại room tín dụng cho các ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống không đều, Ngân hàng Nhà nước quyết định phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng từ ngân hàng thừa sang nhà băng thiếu, thông báo đã được gửi tới các tổ chức tín dụng vào ngày 28/8.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức khoảng 15% đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024.

Đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. "Mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có các TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo", văn bản của NHNN cho biết.

-6868-1724903800.jpg

 

Theo đó, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, đồng thời tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Ngày 28/8/2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Trong đó, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.

"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị", NHNN cho biết.

Công thức tính chỉ tiêu tăng trưởng cho từng nhà băng dựa trên các yếu tố đầu vào gồm: dư nợ tín dụng năm 2023, điểm xếp hạng năm 2022, các khoản bán dư nợ tín dụng trong 2024 và chưa thu hồi được tiền.

Các TCTD, trừ ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh, không được vượt quá mức dư nợ tín dụng quy định tại bất cứ thời điểm nào trong năm. Còn với các nhà băng 100% vốn nước ngoài và liên doanh, dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối 2024 không được vượt quá mức được cấp.

Tính tới cuối quý II, bức tranh tín dụng chung của hệ thống ngân hàng cũng cho thấy sự phân hóa. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietinbank và Vietcombank, báo cáo tài chính cho thấy các nhà băng tăng trưởng tín dụng đều ở mức một con số, từ 6-8%.

Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân lớn có kết quả ấn tượng hơn, mức phổ biến nằm từ 10-14%, như: LPBank 15,2%; Techcombank 14,2%; ABC 12,8%; HDBank 12,5%; MSB 11,6%...

Các ngân hàng tư nhân có quy mô vốn ở “top dưới” có mức tăng trưởng tín dụng từ 4% - 8% như: Eximbank 7,7%; PVCombank 5,5%; SHB 5,2%; TPBank 4%..., đặc biệt ABBank vẫn âm hơn 7%.

Theo NHNN, các ngân hàng tiếp tục được yêu cầu cấp tín dụng an toàn, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết