Nga lên kế hoạch giành quyền tiếp cận hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối bị đóng băng
Ngày 19/4, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Nga cho biết nước này đang chuẩn bị hành động pháp lý để để giành lại quyền tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ trị giá 640 tỷ USD, trong đó hơn 300 tỷ đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, Moscow đang thực hiện các kế hoạch để khởi động các vụ kiện chống lại việc chính phủ các quốc gia Mỹ, Anh, EU đóng băng phần dự trữ ngoại tệ do ngân hàng trung ương Nga được phép nắm giữ trong phạm vi quyền hạn.
“Việc đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của một quốc gia lớn như vậy là điều chưa từng có tiền lệ trên quy mô toàn cầu, vì vậy chúng tôi đang tiến hành các yêu cầu pháp lý và sẵn sàng thúc đẩy chúng”, bà Elvira Nabiullina tiết lộ với hãng thông tấn TASS.
Tuyên bố của bà Nabiullina được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hồi đầu tháng cho biết Điện Kremlin sẽ kiện nếu phương Tây cố gắng đẩy Nga vào tình trạng vỡ nợ.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nga không đưa ra chi tiết về thời điểm hay đối tượng khởi kiện.
Việc đóng băng tài sản được coi là biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất được áp dụng đối với Nga sau tuyên bố về chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 2.
Theo đó, Nga đã tích lũy được hơn 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ được nắm giữ bằng USD, vàng và các loại tiền tệ khác, nhưng một nửa trong số này, tương đương hơn 300 tỷ USD đã bị đóng băng do các hạn chế được áp đặt đối với ngân hàng trung ương của nước này.
Bắt đầu từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, Ngân hàng Trung ương Nga đã được xây dựng theo chiến lược được gọi là "pháo đài của nước Nga”, vì vậy các lệnh trừng phạt khiến ngân hàng này khó lòng can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ giá trị của đồng ruble.
Đồng tiền chủ quyền của Nga đã mất giá hơn 40% sau khi các chính phủ phương Tây lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng, mặc dù nó đã phục hồi về mức trước chiến sự trong những tuần gần đây. Không có quyền truy cập vào một nửa dự trữ ngoại tệ, ngân hàng trung ương Nga đã phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và tăng lãi suất trong nỗ lực củng cố đồng tiền này.
Theo bà Nabiullina, ngân hàng sẽ “không cần tới các biện pháp hà khắc như vậy” để kiểm soát đồng ruble và luân chuyển vốn nếu như họ có thể truy cập vào kho dự trữ ngoại hối.
Bà Nabiullina thừa nhận rằng lệnh trừng phạt này của phương Tây đã và đang tác động tới nền kinh tế Nga.
Không chỉ vậy, Nga cũng đang bị đẩy tới bờ vực bị các cơ quan xếp hạng tín nhiệm tuyên bố vỡ nợ do bị Mỹ chặn thanh toán ngoại hối.
Xét về tiền lệ các vụ kiện tương tự liên quan đến dự trữ ngân hàng trung ương trên thế giới, tháng 12/2021, tòa án tối cao của Vương quốc Anh đã ra phán quyết bác bỏ đơn kháng cáo của Venezuela về việc cho phép tiếp cận gần 2 tỷ USD vàng mà nước này nắm giữ tại Ngân hàng Anh.
Trong một diễn biến khác, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga hôm 19/4 cũng mới bị chính phủ Canada thêm vào danh sách các cá nhân bị trừng phạt cùng với 13 người Nga khác, bao gồm hai con gái của ông Putin.
Đây là lần đầu bà Nabiullina bị chính phủ phương Tây đích danh trừng phạt, nhằm buộc Tổng thống Nga “và các cộng sự của ông ấy phải chịu trách nhiệm về sự đồng lõa của họ trong cuộc tấn công Ukraine”.