A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mua bán thông tin tài khoản thanh toán ngân hàng sẽ bị xử lý ra sao?

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến đầu năm 2025, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đạt hơn 200 triệu. Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện nhiều dịch vụ mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trên các mạng xã hội, vì vậy nhà điều hành đề xuất xử phạt nặng, tăng gấp đôi so với hiện nay đối với hành vi vi phạm về tài khoản thanh toán.

Theo Dự thảo lần 3 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đang được lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất việc mua bán, thuê, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng hoặc mua bán thông tin 1-10 tài khoản sẽ bị phạt từ 100 - 150 triệu đồng.

Mức xử phạt tăng lên 150-200 triệu đồng khi có vi phạm tương tự, với số lượng từ 10 tài khoản ngân hàng trở lên, mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Số tiền phạt theo dự thảo mới tăng gấp 2-4 lần so với hiện hành.

Nhân viên ngân hàng cho phép khách hàng dùng giấy tờ tùy thân hết hạn hoặc giả mạo khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng chịu mức phạt 150-200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập phạt từ 200 triệu đến 250 triệu khi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh. Mức phạt tương tự áp dụng khi có hành vi sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, giao dịch thanh toán khống... mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

-9092-1747639273.jpg

Tang vật thu được từ đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng để che giấu nguồn gốc và rửa tiền tại Việt Nam.

Trường hợp lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị xử phạt tối đa là 250 triệu đồng.

Theo quy định hiện nay, hành vi mua bán thông tin tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40 đến 100 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý về hình sự tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Như vậy, với quy định tại dự thảo lần 3, NNHN đề xuất xử phạt nặng, tăng gấp đôi so với hiện nay. Mức phạt này được nâng lên trong bối cảnh có nhiều dịch vụ mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trên các mạng xã hội. Một số cá nhân mua, gom tài khoản ngân hàng, sim điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến rồi rao bán với giá tiền triệu cho các đường dây lừa đảo.

Thời gian qua, cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây chuyên thu mua, thuê, mượn thông tin tài khoản ngân hàng để lừa đảo, rửa tiền.

Gần đây nhất, ngày 12/2/2025, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai, Công an thành phố Đà Nẵng tiến hành bắt 18 đối tượng có liên quan đến đường dây thực hiện hành vi chuyển tiền cho các đối tượng đánh bạc và lừa đảo trên không gian mạng, hoạt động xuyên quốc gia có trụ sở đặt tại Campuchia, bằng cách mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng để che giấu nguồn gốc và rửa tiền tại Việt Nam.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận móc nối cách thức “rửa tiền” và lợi nhuận được ăn chia với số đối tượng ở Campuchia. Tính từ tháng 7/2024 đến nay, nhóm này đã chuyển và nhận tiền cho các đối tượng người nước ngoài trên 2.000 tỷ đồng...

Tương tự, cuối năm 2024, công an tỉnh Nghệ An triệt phá ổ nhóm thuê, mua hơn 500 tài khoản nhiều ngân hàng khác nhau (bao gồm cả tài khoản cá nhân và tài khoản doanh nghiệp) nhằm mục đích hoạt động lừa đảo, rửa tiền. Trong đó có bị hại đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 700 triệu đồng.

Theo đánh giá của cơ quan công an, việc mua bán tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo là một vấn đề đáng báo động; các đối tượng sử dụng hàng trăm hội nhóm ở trên không gian mạng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... sau đó đăng tải công khai các thông tin mua bán tài khoản ngân hàng. Đồng thời các đối tượng thuê học sinh, sinh viên, người dân ít hiểu biết pháp luật để mở các tài khoản, hoặc làm giả các giấy tờ để mở tài khoản rồi bán lại cho các đối tượng, những tài khoản không chính chủ này sẽ tiếp tay cho các tội phạm lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến. Mục tiêu là tăng quản lý nhà nước, phòng ngừa và xử lý hiệu quả tình trạng lừa đảo này.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết