A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, trái phiếu doanh nghiệp hưởng lợi

Với việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam, đây không chỉ là ghi nhận tích cực về sức mạnh nền kinh tế…

Chi phí đi vay giảm

Theo Bộ Tài chính, Moody’s đã nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2 với triển vọng Ổn định, phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng.

“Tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng đầu năm. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới, được Moody's nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay", Bộ Tài chính cho biết.

Thông qua kết quả nâng hạng, hãng đánh giá tín nhiệm ghi nhận nền tảng tài chính vững chắc, hiệu quả thực thi chính sách của Việt Nam và kinh tế được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao, cũng như việc tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Việc Việt Nam được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm đồng nghĩa với việc chúng ta được tổ chức này đánh giá tốt hơn so với trước đây, chi phí đi vay sẽ giảm đi bao gồm cả khu vực nhà nước và khu vực của doanh nghiệp”, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, chia sẻ với báo chí.

Theo ông Long, đây cũng là cơ hội để huy động vốn bên ngoài rẻ hơn, kéo theo các doanh nghiệp dựa trên mức sàn của Chính phủ cũng huy động được rẻ hơn và các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các khu vực của nền kinh tế nhiều hơn.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings cho rằng, trước hết, chúng ta phải nhìn nhận đây là một thông tin tích cực và cho thấy Việt Nam đang đi đúng trong lộ trình thực hiện các mục tiêu đã được đề ra theo Quyết định số 412/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 31/3/2022, phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” (Đề án).

Tại Đề án, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP. Đề án cũng đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP…

Cơ hội cho doanh nghiệp lớn, đợi chờ của SMEs

“Với các bước thực thi mục tiêu đề án, tiếp nhận, đánh giá của nhà đầu tư quốc tế với Việt Nam thông qua xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ chuyển từ Đầu cơ sang Đầu tư, là cơ sở đánh giá năng lực tài chính, mức độ tin cậy cao và mức độ rủi ro thấp. Qua đó, tạo cơ hội cho các kế hoạch tái cấu trúc tài chính, trả nợ, phát hành thêm của Chính phủ và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng sẽ được đánh giá cao hơn và dễ tiếp cận được các gói vốn vay để tài trợ cho các dự án. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ được thúc đẩy thu hút mạnh mẽ hơn khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện. Riêng về phía doanh nghiệp, khi được cải thiện xếp hạng tín nhiệm theo trần tín nhiệm quốc gia, cũng sẽ có nhiều điều kiện để thu hút huy động vốn nước ngoài hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn”, ông Phùng Xuân Minh nói với DĐDN.

Ông Minh cũng nhấn mạnh thông thường khi một hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế công bố mức xếp hạng, thì 2 hãng còn lại cũng sẽ có những hồ sơ đánh giá. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, ông Minh cho rằng mặc dù trong năm nay, theo kế hoạch vay, trả nợ công 2022 được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký tháng 4 vừa qua, Chính phủ vay tối đa 673.546 tỷ đồng (tương đương gần 29,3 tỷ USD), nhưng Việt Nam sẽ chưa sử dụng hồ sơ tín dụng với bậc tín nhiệm mới mà sẽ "chờ" thêm đánh giá từ hãng khác. Điều quan trọng là Việt Nam sẽ cần cân đối nhu cầu bổ sung vốn (để đầu tư mới hay tái cấu trúc nợ, cho vay lại) với các chỉ tiêu về trần nợ công, vay nợ quốc tế, đánh giá rủi ro tỷ giá và bên cạnh đó, là khi tiền của các thị trường cũng đã không còn rẻ thì chi phí đi vay cũng sẽ được tính toán kỹ…

Theo đó, ông cho rằng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia mới, các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn mới thực sự hưởng lợi khi có nhiều cơ hội huy động tốt quốc tế tốt hơn. Nhưng điều này thuộc về số ít. Còn với đại đa số các doanh nghiệp thì vẫn trông đợi các chính sách pháp lý để có thể huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường trái phiếu trong nước. 

"Chúng ta hiện đang đang được đánh giao cao khi ở vị trí trung tâm của dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài Samsung, đã và đang có hàng loạt ông lớn gồm các đầu tàu công nghệ, đến với Việt Nam. Điều này cũng thể sức mạnh kinh tế và sức hút đầu tư mà việc đánh giá tín nhiệm có giá trị củng cố hơn nữa lòng tin của nhà đầu tư khi đến với các địa chỉ gắn bó dài hạn", ông Minh nói thêm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan