Làm gì để thu hút nguồn nhân lực trong các HTX nông nghiệp?
Thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ vào làm việc ở ngành nông nghiệp và các HTX dù đã có sự thay đổi nhưng vẫn chưa như mong đợi. Đây cũng là khó khăn của không ít HTX trong quá trình phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ.
Anh Đinh Văn Minh, sinh năm 1996 (Thái Bình) sau khi học xong cấp 3 đã quyết định đi xuất khẩu lao động vì cho rằng mức lương xuất khẩu lao động sẽ cao hơn giúp anh có vốn sau này về quê làm kinh tế. Nhưng khi xuất khẩu lao động hết thời hạn, về quê, Minh lại lựa chọn làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Dù xa quê nhưng anh cho rằng làm nông nghiệp hôm nay có thể thắng nhưng có thể thua bất cứ lúc nào vì đầu ra bấp bênh, thị trường không thuận lợi, biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Vô vàn lực cản
Một nguyên nhân nữa được anh Minh lý giải đó là dù có muốn thì theo Nghị định 64/1998/NĐ-CP có quy định việc giao khoán đất cho các hộ gia đình tùy thuộc vào độ tuổi và nhân khẩu trong hộ gia đình. Vì vậy, những người sinh sau năm 1993 và gia đình đông nhân khẩu dường như không có đất hoặc ít đất để canh tác. Gia đình anh có một anh trai sinh năm 1986 vẫn thuộc diện được nhà nước giao khoán đất ruộng, còn anh sinh năm 1996 nên không thuộc diện này.
Điều này đồng nghĩa việc muốn gắn bó với sản xuất nông nghiệp cũng rất khó vì nếu như vậy anh phải đi mượn đất của người thân hoặc tính toán làm sao để gom đất, thuê đất. Nhưng như vậy sẽ làm tăng chi phí. Và dù có thuê được đất, mượn được đất thì đó vẫn không phải là đất của mình nên khó có thế đầu tư lớn và lâu dài nếu làm nông nghiệp.
Nhân lực trong ngành nông nghiệp vẫn "bấp bênh" cả về chất lượng và số lượng. |
Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Vĩnh Phúc), cho biết nhìn chung người lao động thậm chí thành viên trong các HTX hiện nay tuy là nông dân nhưng vẫn làm nhiều nghề. Có người làm nông nghiệp theo mùa vụ, thời gian còn lại họ có thể vẫn thay đổi công việc ở những nơi khác như đi làm thuê ở những ngành nghề khác như xây dựng, tiểu thủ công nghiệp…sau đó trở lại quay về làm nông nghiệp.
Sự bấp bênh này khiến chính các HTX cũng gặp khó khăn trong việc ổn định nguồn lao động, khó thu hút thành viên, đặc biệt là những người trẻ, có trình độ, kinh nghiệm...
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Nhìn từ những con số này, PGS.TS Trương Đình Hoài, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp cũng cần phải tăng tương ứng để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh cũng như hoàn thiện các mục tiêu về nâng cao giá trị gia tăng.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, không ít các HTX, Liên hiệp HTX hiện nay luôn trong cảnh thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, lao động trẻ. Ngay như HTX Tâm Hòa (Cao Bằng) để ứng dụng công nghệ vào phát triển các sản phẩm đặc sản, HTX cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng việc tuyển dụng trong suốt thời gian qua rất khó khăn.
Tại HTX sữa bò Phù Đổng (Hà Nội), việc giao hàng phù hợp với những người trẻ và được trả mức lương 150 nghìn đồng/buổi sáng, được hỗ trợ xe máy nhưng không phải ai cũng gắn bó được với công việc này.
Còn tại HTX xanh Grab (Vĩnh Long), ngoài nhân viên rửa xe, thì các nhân viên kinh doanh, nhân viên hành chính văn phòng, kế toán đều cần có trình độ nhất định. Tuy nhiên suốt thời gian qua, rất ít người gắn bó được với HTX ở những vị trí này vì họ cho rằng mức lương trung bình từ 7 triệu đồng/tháng là thấp.
Thu hút đi đôi với nâng cao chất lượng nội tại
Theo giới chuyên gia, thực tế nhiều ngành nghề trong HTX và cả trong ngành nông nghiệp không phải lúc nào cũng có lương thấp hay quá vất vả. Như công việc làm ở các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm hay sản xuất. Ngay như hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, nước sạch… do là ngành kinh doanh có điều kiện nên cần nhân lực có trình độ nhất định nhưng mức lương không hề thấp.
Ngay các thành viên HTX, cán bộ kỹ thuật trong HTX là người trực tiếp sản xuất ở đồng ruộng nhưng nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật, thì ngoài lương vẫn có thưởng, có chính sách bảo hiểm…
PGS.TS Trương Đình Hoài cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, thu hút học sinh vào học ở các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp như miễn giảm học phí, thêm học bổng, hỗ trợ tiền ăn….
Các doanh nghiệp, HTX cũng có thể tạo điều kiện cho con em thành viên, người lao động trên địa bàn mình được đi học ở những ngành nghề HTX đang có nhu cầu để tạo nhân lực nguồn một cách phù hợp.
Song song đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang hoạt động trong chính các HTX cũng cần được quan tâm để tạo sức mạnh nội tại và hạn chế sự bị động của HTX.
Ông Phạm văn Mừng, Giám đốc HTX thủy sản Toàn Thắng (Sóc Trăng) cho biết các thành viên HTX nhìn thấy cơ hội thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm và xây dựng thương hiệu tôm có chứng nhận là rất lớn, giúp nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Do đó, HTX mong muốn được hỗ trợ trong đào tạo nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo. Việc này sẽ giúp HTX hoàn thiện mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của giới trẻ vào mô hình HTX.
Ông Đặng Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Phương Đông (Trà Vinh), cho biết HTX rất muốn được hỗ trợ trong tư vấn nâng cao năng lực lãnh đạo cho đội ngũ thanh niên, phụ nữ trong HTX để thúc đẩy sự tham gia của nhóm đối tượng này sâu hơn vào các hoạt động vận hành của HTX .
Huyền Trang