Lãi suất tiền gửi tiếp tục "hạ nhiệt" sau Tết Nguyên đán
Đầu tháng 2, các ngân hàng bắt đầu giảm nhẹ mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước Tết Nguyên đán.
Sau thời gian tăng nóng và có phần hạ nhiệt khi có yêu cầu từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đa số lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng đã được đưa về dưới 9.5%/năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay. NHNN nhấn mạnh sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này. |
Mức lãi suất mới nhất áp dụng từ ngày 06/02 đã được SCB điều chỉnh giảm 0.15 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn trên 1 năm từ 9.6%/năm xuống còn 9.45%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng được tăng mạnh từ 7.8%/năm lên 9.5%/năm và kỳ hạn 9 tháng tăng từ 8.1%/năm lên 9.3%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống được giữ nguyên ở mức 6%/năm.
Từ ngày 08/02, NCB cũng giảm từ 0.2-0.65 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng giảm còn 9.15%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm 0.2 điểm phần trăm còn 9.3%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm 0.4 điểm phần trăm còn 9.3%/năm và kỳ hạn 36 tháng giảm đến 0.65 điểm phần trăm còn 9.05%/năm.
Techcombank giảm đều 0.5 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày 07/02. Đơn cử như trường hợp khách hàng thường, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống được giữ nguyên ở mức 5.9%/năm và từ 6 tháng trở lên giảm từ mức 9%/năm kỳ trước xuống còn 8.5%/năm.
PVComBank lại chỉ giảm nhẹ 0.2-0.3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-12 tháng từ kỳ điều chỉnh 08/02, đưa mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng xuống còn 8.3%/năm, lãi suất kỳ hạn 9 tháng còn 8.4%/năm và 12 tháng còn 8.8%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV vẫn giữ nguyên mức lãi suất gần tương đồng nhau. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng được giữ ở mức 4.9%/năm; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng duy trì 5.4%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giữ ở 6%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên 7.4%/năm. Ngay cả lãi suất không kỳ hạn cũng được tăng từ mức 0.1-0.2%/năm lên 1%/năm.
Tính đến 09/02/2023, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 4.9-6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng nằm trong khoảng 6-9.5%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 7.3-9.95%/năm.
Tính đến 09/02, ở kỳ hạn 12 tháng, SCB vẫn đang giữ mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 9.95%/năm. DongABank và KLB đang cùng giữ mức lãi suất 9.5%/năm. Kế đó là SGB và BaoVietBank cùng giữ mức 9.4%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, SCB vẫn đang là nhà băng áp dụng mức lãi suất cao nhất ở 9.5%/năm, kế đó là DongABank ở mức 9.35%/năm; KLB và Vietbank xếp ngay sau đó với 9.3%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 09/02/2023 |
Tại Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản được tổ chức sáng ngày 08/02, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank đã cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,.7%/năm, thay vì mức tối đa 9.5% hiện tại.
Và như vậy, thị trường kỳ vọng vào đợt hạ lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay từ phía các ngân hàng trong thời gian sớm nhất. Điều này không chỉ gỡ khó cho các doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn giúp cân bằng thị trường đang chịu tác động từ nhiều phía.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô năm 2023 của VNDirect được công bố trước đó, công ty chứng khoán này dự báo đà tăng của lãi suất tiền gửi có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do (1) hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, (2) nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế, và (3) tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, do đó các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.
Tuy nhiên, kỳ vọng lãi suất tiền gửi giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ (1) áp lực tỷ giá giảm cho phép Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất, (2) lạm phát trong nước được kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4.5%, (3) Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng khoảng 230 điểm cơ bản trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các NHTM có thể tăng lên mức 8.0-8.5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.