Lãi suất cho vay sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn nhưng khó giảm sâu
Với những tín hiệu thị trường, giới chuyên môn cho rằng, lãi suất cho vay sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn so với trước đây nhưng với yếu tố bên ngoài vẫn bất định nên sẽ khó giảm sâu như kỳ vọng.
Vấn đề - Nhận định
Lãi suất cho vay sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn nhưng khó giảm sâu
Với những tín hiệu thị trường, giới chuyên môn cho rằng, lãi suất cho vay sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn so với trước đây nhưng với yếu tố bên ngoài vẫn bất định nên sẽ khó giảm sâu như kỳ vọng.
Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2023. Trong đó có hai nội dung đáng chú ý, cụ thể:
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Thứ hai, với tín dụng dự kiến thấp, các tổ chức tín dụng cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 - 0,1 điểm phần trăm trong quý II/2023 và giảm nhẹ 0,19 - 0,34 điểm phần trăm trong cả năm 2023.
Những kỳ vọng của các tổ chức tín dụng cũng khá phù hợp với xu hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua. Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục được thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, cũng như góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Minh chứng cụ thể là Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp có những đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2023 vừa qua. Lần gần đây nhất là quyết định giảm lãi suất được công bố vào ngày 31/3, theo đó, kể từ ngày 3/4, lãi suất tái cấp vốn được Ngân hàng Nhà nước giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; đồng thời giảm 50 điểm cơ sở trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống còn 5,5%/năm.
Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cắt giảm các loại lãi suất điều hành, với các loại lãi suất có tác động trực tiếp hơn đối với lãi suất thực tế trên thị trường và nhanh tác động hơn đối với lãi suất cho vay đối với cá nhân và tổ chức.
Thực tế là, ngay sau quyết định giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động tại các NHTM đã điều chỉnh giảm mạnh. So với đầu tháng 3/2023 (thời điểm Ngân hàng Nhà nước chưa giảm lãi suất điều hành), lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của các ngân hàng đã giảm từ 0,2 - 1,7%/năm/tùy ngân hàng, lãi suất tiền gửi cao nhất 9,0%/năm chỉ còn là "của hiếm" trên thị trường.
Với việc lãi suất huy động đang giảm mạnh, giới chuyên môn kỳ vọng, lãi suất cho vay thời gian tới cũng sẽ giảm. TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, lãi suất điều hành liên tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất đầu ra. Giảm lãi suất cho vay sẽ khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn để khôi phục và mở rộng sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất hạ nhiệt là tin tốt đối với nền kinh tế cũng như hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, một mặt vừa kích thích nhu cầu sử dụng vốn, mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn.
“Việc giảm lãi suất đầu vào chắc chắn sẽ giúp giảm bớt áp lực chi phí vốn đang đè nặng lên ngân hàng trong thời gian gần đây, từ đó tạo cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, bà Trần Khánh Hiền nhận định.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay sẽ không xảy ra ngay lập tức, mà có độ trễ để phía ngân hàng có thời gian quan sát và đánh giá việc giảm lãi suất đầu vào có thể duy trì bình ổn hay chỉ là tạm thời, từ đó đưa ra các quyết sách đối với lãi suất cho vay, thường mang tính dài hạn.
Dẫu vậy, với những tín hiệu thị trường, tín hiệu từ nhà điều hành và các ngân hàng, bà Trần Khánh Hiền tin rằng, lãi suất cho vay sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn so với trước đây, bởi tăng trưởng tín dụng đang thấp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I/2023 là 2,06%, cao hơn mức 1,26% của năm 2021 (là năm bùng phát dịch COVID-19), nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 5,04% của cùng kỳ năm 2022, cũng như mức trung bình giai đoạn 2013 - 2022.
Trong khi đó, so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14% được Ngân hàng Nhà nước đặt ra hồi đầu năm, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang khá chậm. Kết hợp với việc hàng loạt ngân hàng thương mại tung ra các gói hỗ trợ lãi suất cho vay trong thời gian gần đây. “Mặt bằng lãi suất đầu ra trung bình sẽ giảm từ 1 - 1,5%/năm trong thời gian tới, song rất khó kỳ vọng lãi suất quay trở về mặt bằng của giai đoạn 2021 – 2022”, bà Trần Khánh Hiền dự báo.
Lý giải cho dự báo thận trọng trên, bà Trần Khánh Hiền cho rằng, vẫn còn đó những yếu tố rủi ro cho mặt bằng lãi suất, đó là trong lần hạ lãi suất vừa qua (các loại lãi suất được giảm hầu như không trùng đợt trước). Đồng thời, lãi suất tái cấp vốn chỉ điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, các rủi ro với mặt bằng lãi suất cao vẫn còn.
Vì vậy, trong nửa đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm sâu và vẫn duy trì ở mức cao do yếu tố Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất vẫn còn. “Lãi suất sẽ giảm đáng kể từ nửa sau của năm 2023, khi chu kỳ nâng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước chậm lại và ngừng hẳn”, bà Trần Khánh Hiền dự báo.