Kỳ vọng thu hẹp chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn
Mặc dù tiền gửi vào ngân hàng tăng kỷ lục trong năm qua, tín dụng vẫn tăng nhanh hơn huy động vốn, khiến nhiều ngân hàng mạnh tay nâng lãi suất huy động. Tuy nhiên, trong năm nay, chênh lệch giữa huy động và tín dụng được kỳ vọng sẽ thu hẹp.
Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 25/12/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06% (cùng thời điểm năm trước tăng 11,19%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,82%.
Gia tăng khoảng cách cho vay và huy động
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, trong bối cảnh các kênh đầu tư rủi ro và thiếu bền vững, người dân có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng. “Dòng tiền thông minh thường tìm đến ngân hàng để chờ đợi cơ hội từ các kênh đầu tư khác khi thị trường ổn định hơn”, ông Huân nhận định.
Thực tế, thị trường bất động sản dù đã phục hồi về giá nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp. Một số phân khúc tăng giá nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro bong bóng, không phù hợp với đại đa số nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán đang đối mặt với thanh khoản yếu và dòng vốn ngoại liên tục rút lui, khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Còn với thị trường vàng, dù tăng trưởng mạnh từ đầu năm, giá vàng hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh khó đoán định.
Tính đến thời điểm 25/12/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,82%. |
Tuy huy động vốn tăng, nhưng tín dụng vẫn tăng nhanh hơn. Theo GSO, đến ngày 25/12/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,82%, cao hơn mức đạt được cùng thời điểm năm trước là 11,48%.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng gần tiệm cận mức định hướng 14-15% của Ngân hàng Nhà nước, sự chênh lệch với tốc độ tăng trưởng huy động vẫn khá cao, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.
Trong năm qua, hầu hết các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để đảm bảo nguồn vốn. Thống kê cho thấy có đến 26 nhà băng tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng, 23 ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng.
Sau nhiều lần thay đổi, tăng và giảm lãi suất huy động cao nhất ở các nhà băng dao động trong khoảng từ 4,7-6,1%/năm đối với lãi suất thông thường không có điều kiện đi kèm.
Để đáp ứng nhu cầu vốn, các ngân hàng cũng đã tích cực huy động qua kênh trái phiếu, chiếm gần 70% tổng giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ trên thị trường, đạt gần 300.000 tỷ đồng đến cuối năm 2024.
Trong báo cáo trái phiếu doang nghiệp năm 2024, FiinRatings - một tổ chức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, đánh giá: "Sự thống trị của ngân hàng không chỉ thể hiện sức mạnh tài chính mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi".
Theo số liệu tổng hợp của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), một số ngân hàng có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất từ đầu năm đến nay là: ACB (36.100 tỷ đồng), HDBank (30.900 tỷ đồng), Techcombank (26.900 tỷ đồng)...
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings cho biết nhìn vào cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 cho thấy, ngân hàng thống trị, trong khi trái phiếu huy động trực tiếp cho sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế với 145.000 tỷ đồng. Chưa kể, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đạt 75.000 tỷ đồng cũng chủ yếu là bởi cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, ngân hàng tăng mạnh phát hành qua kênh trái phiếu còn để ổn định nguồn vốn: "Lãi suất tiền gửi đang nhích dần lên, phát hành trái phiếu được ưa thích hơn bởi tính ổn định. Thậm chí, dù lãi suất tiền gửi cao hơn so với trái phiếu, nhưng bù lại với kỳ hạn dài 5-7-10 năm, không lo rút ra rút vào ảnh hưởng thanh khoản, ngân hàng sẽ chủ động tính toán nguồn vốn hơn".
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý I/2025. Theo đó, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 3,4% trong quý I/2025 và tăng 14,2% trong cả năm 2025. Tín dụng ngắn hạn được nhận định sẽ tăng nhanh hơn tín dụng trung và dài hạn trong cả quý I và cả năm 2025.
Các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,5% trong quý I/2025 và tăng 12,8% trong năm 2025. Huy động vốn kỳ hạn dưới 1 năm được dự báo tăng trưởng tương đương kỳ hạn trên 1 năm trong năm 2024 và quý I/2025. Báo cáo cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong quý IV/2024 duy trì trạng thái “tốt” và tiếp tục cải thiện so với quý trước, mặc dù chưa đạt kỳ vọng.
Theo phân tích từ các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), dự báo năm 2025, tăng trưởng tín dụng và huy động được kỳ vọng đạt lần lượt 14-15% và 13%. Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 1 năm dự kiến không tăng mạnh trong năm 2025, nhờ Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ ổn định.
Các chuyên gia cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và huy động của các ngân hàng trong quý I/2025 và cả năm hoàn toàn có cơ sở vì có nhiều yếu tố hỗ trợ. Đầu tiên là với tăng trưởng kinh tế năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có thể vượt kế hoạch đặt ra, năm 2025 Chính phủ đặt mục tiêu tham vọng lên đến 8%. Vì vậy, niềm tin kinh doanh sẽ lên cao hơn trước triển vọng các hoạt động kinh tế tiếp tục sôi động. Doanh nghiệp theo đó cũng sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư các dự án mới. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng bán buôn được duy trì ổn định.
Tiếp đến là kế hoạch tăng vốn đầu tư công thêm 17% trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng này, đồng thời thúc đẩy giải ngân trung và dài hạn qua các dự án hạ tầng trọng điểm, với sự dẫn dắt từ nhóm ngân hàng quốc doanh.
Bên cạnh đó, các ngân hàng dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng 0,2-0,3% trong cả năm 2025 sẽ tiếp tục hút tiền gửi khách hàng.
Ông Nguyễn Hữu Huân dự báo năm 2025 ngân hàng vẫn sẽ là nhóm "áp đảo" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lượng phát hành cao. Tuy nhiên, vị chuyên gia lo ngại xu hướng này đang phản ánh không đúng vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thông thường, doanh nghiệp sẽ vay trực tiếp qua kênh trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay gián tiếp từ các định chế tài chính, trong đó có tổ chức tín dụng. Hiện nay, việc huy động vốn trực tiếp từ kênh trái phiếu của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là bất động sản vẫn rất khó khăn, do đó các doanh nghiệp có xu hướng vay lại ngân hàng.
Tuy nhiên, kênh huy động vốn từ thị trường cư dân của ngân hàng không đủ đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, chưa kể các ngân hàng chủ yếu huy động được nguồn vốn ngắn hạn, trong khi các doanh nghiệp thường có nhu cầu vay dài hạn. Do đó, ngân hàng hiện nay lại vay lượng lớn trên thị trường trái phiếu, rồi đem qua cho doanh nghiệp vay lại, hưởng chênh lệch lãi suất.
"Thị trường trái phiếu vốn được kỳ vọng giảm tải cho ngân hàng thì nay lại là kênh ngân hàng vay rồi cho doanh nghiệp vay lại. Đáng lẽ nên tạo một sân chơi sôi động cho doanh nghiệp và các "chủ nợ" trực tiếp gặp nhau, không phải thông qua tổ chức trung gian, để đảm bảo nguồn vốn có mức lãi suất hấp dẫn, từ đó thúc đẩy giảm chi phí vốn, tăng biên lợi nhuận", ông Huân phân tích.
Thanh Hoa