Kỳ vọng NHNN có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long kỳ vọng, từ nay đến hết năm 2023 NHNN sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh hiện tại.
Lãi suất chưa hạ nhiệt
Theo đánh giá của các bộ ngành chức năng, các chuyên gia, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phải giảm bớt quy mô kinh doanh, khối lượng sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động.
Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của kinh tế, tình hình địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến vấn đề dòng vốn, dòng hàng hóa, lưu chuyển hàng hóa trên thế giới, xuất khẩu giảm, nhập khẩu gặp khó khăn... Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu) đang giảm sút cũng đều là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất dù đã có điều chỉnh giảm, nhưng đâu đó vẫn có những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân cao bất thường. Phó Thống đốc nêu tên một số ngân hàng cho vay lãi cao và cho rằng, NHNN ở các địa phương sẽ chấn chỉnh tình trạng này, bởi lẽ, khi doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng phải chia sẻ đồng hành, nuôi dưỡng thì mới duy trì được mối quan hệ cộng sinh lâu dài. Vì vậy, Phó thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh NHNN đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền.
Theo thống kê của SSI, hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước COVID-19, dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long nhìn nhận, trước vấn đề mà Phó Thống đốc NHNN nêu ra, một số ngân hàng giải thích do đặc thù của họ là cho vay tiêu dùng, nhiều rủi ro nên lãi suất vẫn neo ở mức cao. Còn một số ngân hàng khác thì do các khách hàng có dự án dài hạn, rủi ro cũng cao nên vẫn phải giữ lại suất từ 13 -14%/năm.
Có thể thấy, việc giảm lãi suất đầu vào ở các ngân hàng luôn luôn được thực hiện ngay khi có chính sách hạ lãi suất điều hành, nhưng lãi suất đầu ra còn liên quan đến các hợp đồng tín dụng được ký kết, đặc thù rủi ro của các dự án, các mục đích đi vay vốn của khách hàng và một vấn đề nữa là nếu kéo dài thêm thời gian lãi suất cho vay cao, tranh thủ lúc lãi suất đầu vào giảm, thì ít nhất họ sẽ tăng được lợi nhuận trong ngắn hạn. Do đó, cần một khoảng thời gian để các ngân hàng có thể phản ánh từ việc giảm lãi suất đầu vào vào giảm lãi suất cho vay.
“Một điểm nữa đó là, phần lớn các ngân hàng để lãi suất cho vay cao là những ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh thì họ đã có những thay đổi đáng kể. Đặc tính khách hàng của các ngân hàng quy mô lớn sẽ dễ dàng trong việc thay đổi hơn, bởi tính ổn định và tính rủi ro cũng khác hơn, đồng thời họ có tiềm lực tài chính, tích lũy lợi nhuận đủ để thay đổi”, ông Long lý giải.
Ngân hàng cần cân đối bài toán lợi nhuận
Cũng theo ông Phan Lê Thành Long, trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn neo cao, kinh doanh khó khăn, đứng ở góc độ người đi vay dù là cá nhân hay doanh nghiệp đều vô cùng khó khăn và đó cũng là nguồn gốc gây ra nợ xấu. Tại Thông tư 02 mà NHNN đã ban hành, cho phép ngân hàng cơ cấu nợ có thể giãn đến ngày 30/6/2024 và khi những khoản nợ được cơ cấu sẽ được giữ nguyên nhóm nợ.
Như vậy, lãi suất cho vay sẽ là một tác nhân rất quan trọng thúc đẩy các ngân hàng buộc phải cơ cấu nợ cho rất nhiều khách hàng. Tuy nhiên, đó cũng là “con dao hai lưỡi”. Câu chuyện đặt ra là khi ngân hàng đã có đầu vào thấp, thì phải cân đối giữa lợi nhuận trước mắt đạt được với việc nếu để mức lãi suất cho vay cao, khách hàng có nợ xấu nhiều, khi đó ngân hàng sẽ phải xử lý gốc và cơ cấu lại nợ.
Từ nay đến hết năm 2023, chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có một đợt giảm lãi suất điều hành nữa để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi chính sách tiền tệ được xem là một chính sách rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Hiện nay, hàng loạt chính sách nới lỏng đã được đưa ra như: Thứ nhất, với chính sách tài khóa có tăng chi tiêu công, tăng chi tiêu Chính phủ và giảm thuế. Thứ hai, là một loạt các chính sách tiền tệ vừa mới triển khai như Thông tư 02, Thông tư 03 của NHNN. Điều đó giúp thị trường “dễ thở” hơn, nhưng để đạt được những mục tiêu to lớn thì chúng ta còn phải chờ câu chuyện suy giảm kinh tế thế giới ra sao, liệu các doanh nghiệp có đơn hàng hay không, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu khi Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu từ năm 2015 trở lại đây.
Có ý kiến cho rằng tháng 5 tới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể có một đợt tăng lãi suất mới và nếu Fed tăng 0,5% lãi suất thì tác động thế nào đến chính sách của Việt Nam? Trả lời cho câu hỏi này, ông Long cho rằng, hiện nay mức ảnh hưởng của Mỹ với Việt Nam không còn lớn như năm 2022, bởi vì lý do Fed tăng lãi suất là để kiềm chế lạm phát, khiến vòng quay kinh tế chậm lại, người dân chỉ tiêu giảm đi.
“Chúng tôi cũng nhận thấy, khả năng rất cao tháng 5 tới Fed sẽ tăng lãi suất, vì Fed đã truyền ra thông điệp rõ nét rằng, lạm phát tại Mỹ vẫn cao từ 4,5 - 5%. Tại Việt Nam, người dân đang thắt chặt chi tiêu rất nhiều, cơ sở lập pháp cũng ở sự khác biệt so với thế giới, nên Fed tăng lãi suất hay không cũng không ảnh hưởng ngay tới chúng ta, mà ảnh hưởng lớn nhất là tới tâm lý của giới đầu tư. Tuy nhiên, tâm lý đó sẽ qua rất nhanh và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường”, vị chuyên gia nói.