A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn gắn chặt với lộ trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng đến. Thực tế thời gian gần đây chúng ta đã có nhiều chủ trương, kế hoạch và chính sách thúc đẩy; nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn cũng đã được các doanh nghiệp chú trọng triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản, thách thức lớn để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên diện rộng.

Kinh tế tuần hoàn nói không với rác thải”

Lagom là triết lý nổi tiếng của người Thụy Điển, với hàm ý “vừa đủ” chính là đạt đến sự cân bằng - yếu tố quan trọng nhất để mọi thứ được vận hành thông suốt, thuận theo quy luật tự nhiên cả trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng. Chính triết lý này và việc vận dụng nó đã giúp Thụy Điển trở thành một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về phát triển kinh tế xanh.

Quốc gia này hiện có mức phát thải khí nhà kính thấp nhất trên thế giới và cũng là quốc gia đang trên đà trở thành nền kinh tế đầu tiên không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đóng góp vào quá trình ấy chính là phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Tại quốc gia này, chính phủ đã thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp song hành với việc xây dựng hệ thống pháp luật rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thông qua các chính sách như đánh thuế carbon, đánh thuế cao các loại chất thải... đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo; thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất; tái chế rác thải…

kinh te tuan hoan kinh nghiem quoc te va ap dung tai viet nam
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp rất chú trọng đến mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Hiểu một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín và không có sự kết thúc, với các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh dựa trên việc giảm sử dụng, sử dụng lại, tái chế và phục hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Như vậy, các khái niệm như “kết thúc vòng đời sản phẩm”, “rác thải” trong kinh tế tuyến tính trước đây sẽ không còn trong kinh tế tuần hoàn. Hệ thống kinh tế ấy đồng thời được áp dụng ở các cấp độ nhỏ (từ hoạt động sản xuất, tiêu dùng của mỗi doanh nghiệp, người tiêu dùng), cấp độ vừa (khu công nghiệp sinh thái) và cấp độ lớn (thành phố, vùng, quốc gia và xuyên quốc gia).

Thực tế tại Việt Nam, mô hình kinh doanh tuần hoàn đã được một số doanh nghiệp chú trọng triển khai trong những năm gần đây, qua đó giúp đảm bảo cho phát triển của chính doanh nghiệp, cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế. Những cái tên có thể kể đến như: Vinamilk, Nestle, Coca Cola, Lagom Việt Nam, Hoá chất Đức Giang… Đặc biệt, trong lĩnh vực tái chế, nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn đã được vận hành và đem lại những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây (dựa trên các nghiên cứu tại địa bàn và khảo sát) thì tỷ lệ các doanh nghiệp áp mô hình kinh doanh tuần hoàn còn ở mức rất thấp; các doanh nghiệp đã áp dụng thì phần lớn chưa có tính hệ thống và chủ yếu là tự phát.

Muốn “xanh” không thể thiếu tuần hoàn

Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra, những khó khăn lớn đối với phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn vẫn xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ nguồn lực, công nghệ, tới thị trường… Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam chưa thống nhất; khung pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ; năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; văn hoá kinh doanh, thói quen tiêu dùng và nội dung chính sách pháp luật vẫn chủ yếu dựa trên triết lý kinh doanh tuyến tính truyền thống.

Theo ông Trịnh Đức Chiều - Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu Cải cách và Phát triển doanh nghiệp của CIEM, kinh doanh theo hướng tuần hoàn đang trở thành một xu hướng tất yếu trên thế giới.

“Từ kinh nghiệm của các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác cho thấy, trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng, trước hết trong xây dựng khung pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua những thách thức, khó khăn khi chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tuyến tính sang tuần hoàn”, chuyên gia này cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Chúng ta đã có những cam kết rất mạnh về tăng trưởng xanh, bền vững; đưa ra các chiến lược, khung pháp lý và gần đây đã có các quyết định, nghị định, kế hoạch liên quan đến câu chuyện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Thế nhưng, nó vẫn chưa hoàn thiện và điều quan trọng hơn, như qua khảo sát của CIEM cho thấy, tính đầy đủ, khả năng tiếp cận được những hỗ trợ của Nhà nước còn rất thấp”.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Đan Mạch, ông Carsten Baltzer Rode - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi tất cả các thành phần phải tham gia.

“Do đó, tôi nghĩ điều quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam cần tăng nhận thức của tất cả các thành phần trong xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của kinh tế tuần hoàn và mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, cần tư duy lại cách thức tiêu dùng, sản xuất, làm sao để các nguyên vật liệu tiếp tục được tái chế, sử dụng nhiều lần, càng nhiều càng tốt, và/để sử dụng ít tài nguyên hơn”, ông Carsten nói.

Nhìn nhận thị trường và sản phẩm sẽ là những yếu tố quyết định đến mô hình kinh doanh tuần hoàn, ông Nguyễn Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam cho biết: “Muốn phát triển được mô hình kinh doanh tuần hoàn thì phải có được các sản phẩm từ quá trình kinh doanh tuần hoàn. Các sản phẩm đó để phát triển được cần các thị trường tiêu thụ. Muốn vậy, các sản phẩm này vừa phải đạt được chất lượng, có giá hợp lý và quan trọng nhất là được người tiêu dùng đón nhận, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường”.

Từ nhu cầu và những khó khăn, thách thức hiện nay, các chuyên gia đề xuất để phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng, các giải pháp quan trọng cần tập trung trong giai đoạn tới là cần tăng cường nhận thức gắn với hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, cần thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh doanh tuần hoàn trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn lực đối với các doanh nghiệp; xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là bộ tiêu chí đo lường mức độ kinh doanh tuần hoàn của các doanh nghiệp; có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực…

Trong khi đó với doanh nghiệp, để tận dụng được những cơ hội cũng như hạn chế những khó khăn, thách thức khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Đỗ Lê

Nguồn:

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan