Kinh tế tiêu dùng là động lực quan trọng thúc đẩy TP.HCM tăng trưởng
Cục Thống kê TP.HCM và Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) vừa phát hành Báo cáo kinh tế vĩ mô về kết quả năm 2023 và dự báo năm 2024. Theo các chuyên gia, trong những thách thức của năm 2024, TP.HCM cần nhìn ra những điểm sáng về chính sách ở tầm vĩ mô để làm động lực tăng trưởng kinh tế và kinh tế tiêu dùng trong ngắn hạn sẽ là một động lực tăng tổng cầu, góp phần vào tăng trưởng.
5 điểm sáng của kinh tế
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM là 5,81%, dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh khó khăn chung. Có thể nói, kết thúc 2023, nền kinh tế TP.HCM đang hồi phục một cách ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, cùng với những thách thức, khó khăn do tác động của tỉnh hình thế giới, TP.HCM cần nhìn rõ 5 điểm sáng kinh tế vĩ mô trong năm 2024 để vận dụng một cách hiệu quả nhất cho sự tăng trưởng của mình.
Đó là, mặt bằng lạm phát thế giới dù cao nhưng đang có xu hướng giảm. Đà giảm lạm phát thế giới khiến sức ép lãi suất các ngân hàng trung ương giảm khiến mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ giảm.
Lượng hàng tồn kho của các nền kinh tế phát triển đã đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống dẫn tới nhu cầu nhập khẩu hàng hóa sẽ mở ra, nên TP.HCM và Việt Nam cần mở rộng đầu ra và tăng cường xuất khẩu, nhất là với những bạn hàng lớn. Trong nước, cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024 là điểm rơi của chu kỳ mua sắm, tạo ra sự thúc đẩy trong tiêu dùng, tác động đến tổng cầu.
Muốn vốn đầu tư công phát huy hiệu quả thì phải có độ trễ nhất định để tính lan tỏa xảy ra. Và năm 2024 có thể vốn đầu tư công giải ngân từ năm 2023 bắt đầu có hiệu quả.
Một điểm sáng nữa là Việt Nam còn nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất 4 lần trong khi thế giới tăng lãi suất, đó là điểm tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô. Chính mặt bằng lãi suất thấp đã giúp Việt Nam, trong đó có TP.HCM duy trì tăng trưởng kinh tế không quá thấp và điều này sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Nhà đất vẫn là một kênh đầu tư quan trọng, tác động tích cực đến người tiêu dùng và nhà đầu tư. Với việc xử lý nợ xấu, tháo ngòi nổ của “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp và nhiều động thái xử lý bất ổn của thị trường bất động sản thời gian qua, về lâu dài sẽ nới lỏng dòng tiền trong kênh đầu tư bất động sản, tạo ra những tín hiệu lạc quan hơn.
GS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá: “5 điểm tích cực này tạo ra những tín hiệu lạc quan hơn, tạo động lực, kỳ vọng cho nền kinh tế. Dựa trên nền tảng học thuật, dữ liệu, nghiên cứu, chúng ta tin rằng 2024 sẽ tốt hơn cho kinh tế TP.HCM, kinh tế Việt Nam nói chung”.
TS Hồ Hoàng Anh, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, kích thích tổng cầu là biện pháp hữu hiệu trong ngắn hạn tạo ra sự tăng trưởng. Nền kinh tế phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào tổng cầu hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế nhanh hay chậm. Cụ thể, người dân có cầu tiêu dùng, doanh nghiệp có nhu cầu, nhà nước giải ngân đầu tư công… khiến tổng cầu tiếp tục phục hồi càng nhanh, càng mạnh.
Thực tế, TP.HCM là nền kinh tế hội nhập nên phục hồi phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài và nội tại. Việc các thị trường lớn cho xuất khẩu của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, bao gồm Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đều được dự báo tăng trưởng với tốc độ khá khiêm tốn trong năm 2024 buộc TP phải tìm cách mở rộng thị trường. Xuất khẩu được kéo theo sản xuất, công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, kích thích tiêu dùng… Cứ thế, nền kinh tế chuyển động liên tục, tích cực và tăng trưởng.
Về thị trường xuất khẩu, TS Hồ Hoàng Anh nói: “Các thị trường khác mà chúng ta còn xuất khẩu ít như Hàn Quốc, Nhật Bản, Án Độ trong khi đây là những quốc gia có hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Chúng ta phải tìm cách trong năm 2024 đa dạng hóa xuất khẩu đến các nước này, đặc biệt là với Ấn Độ- quốc gia được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Chắc chắn TP phải dẫn đường cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang”.
Tăng trưởng chủ yếu với 3 động lực
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, năm 2024, 3 yếu tố: tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu tiếp tục là 3 động lực chính cho tăng trưởng và TP.HCM phải có giải pháp cho từng yếu tố này.
Nhằm hỗ trợ tổng cầu phục hồi nhanh hơn, TP.HCM có thể tập trung vào các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, đầu tư tích lũy tài sản của doanh nghiệp và hộ gia đình (đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản).
Chính quyền TP.HCM nên tăng cường hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp của TP tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân. Các chương trình này cần phải được đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm kết nối một cách hiệu quả hàng hóa và dịch vụ đến đúng nhu cầu của người dân.
Việc tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM đang có chiều hướng cải thiện đáng kể theo từng quý trong năm 2023, phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế TP đang trên đà hồi phục ổn định, đặc biệt là khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, để tăng tiêu dùng nội địa, TP cần thực hiện nhiều biện pháp cả trước mắt và lâu dài. Trong đó có phát triển thương mại điện tử, chống hàng gian hàng giả, nâng cao chất lượng hàng hóa và ngày càng có nhiều sản phẩm xanh.
“Tiêu dùng nội địa không chỉ là việc kích thích người ta đi mua. Chúng tôi nhìn thị trường của TP không chỉ là 10 triệu dân mà trước mắt là thị trường 30 triệu dân của phía Nam, 100 triệu dân của cả nước. TP là nơi sản xuất và bán hàng đi các nơi. Và chúng ta cần nghiêm túc xác định kinh tế tiêu dùng thì phải có tín dụng phục vụ tiêu dùng. Bởi vì chính tín dụng thúc đẩy tiêu dùng, chính tiêu dùng thúc đẩy sản xuất, cung cấp sản phẩm”, TS.Trương Minh Huy Vũ nói.
Ở trụ cột đầu tư công, năm 2024, TP.HCM tiếp tục quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công trọng điểm vào đổi mới sáng tạo, hạ tầng. Đồng thời, chính sách tiền tệ đang nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm. Từ đó, sự phục hồi của tổng cầu ở TP. HCM và Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn, nhất là 6 tháng cuối năm.
TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, TP cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công để kích hoạt các dự án kết nối hạ tầng.
“Nếu hạ tầng kết nối tốt TP.HCM với các vùng thì di chuyển nhanh, sản xuất đưa vào tiêu dùng nhanh, kích hoạt nền kinh tế tốt. Nhưng hiện nay, đầu tư công còn loay hoay trong hấp thụ vốn, trong đó có thủ tục đầu tư phải cụ thể hơn. Đồng thời, phải xác định đầu tư vào lĩnh vực nào, nền tảng số hóa, xanh hóa trong mọi hoạt động của nền kinh tế phải vận dụng vào”, TS. Trần Anh Tuấn cho biết.
Về xuất khẩu, chính sách quan trọng mà chính quyền TP.HCM cần chú trọng nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của TP tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của TP giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn.
Các chuyên gia cũng lưu ý, tất cả các chính sách ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn của TP. Đó là, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2024, nếu tình hình kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,1- 8% trong năm là có thể đạt được.