KINH TẾ 2023: Dòng vốn FDI là "lá phiếu tín nhiệm" để Việt Nam đối đầu "cơn gió ngược"
Việt Nam có thể đối đầu những "cơn gió ngược" trong năm 2023, triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định kinh tế châu Á tiếp tục đà phục hồi nhưng yếu đi, cùng với nguy cơ lạm phát do giá lương thực tăng cao, giá dầu tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định kinh tế châu Á tiếp tục đà phục hồi nhưng yếu đi.
Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh, nhiều kết quả của kinh tế Việt Nam như xuất khẩu bùng nổ với mức tăng xuất khẩu 13% trong 11 tháng đầu năm, giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm, tiêu dùng nội địa tăng 17,5% so với cùng kỳ, du lịch nội địa đạt gần 100 triệu lượt trong gần 11 tháng. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát trong cuối năm 2022; đồng thời, hiện không có nhiều lo ngại về hệ thống tài chính nói chung, song có những rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.
Ông cho biết ADB điều chỉnh dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% và có thể đạt mức 8% trong năm 2022, đồng thời lưu ý một số vấn đề từ tác động bên ngoài và nội tại nền kinh tế.
Với năm 2023, ông Andrew Jeffries cho rằng Việt Nam cần cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. "Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023, triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam", ông Andrew Jeffries nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào đánh giá, có 3 “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam: Thứ nhất, điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn. Thứ hai, xung đột Nga – Ukraina. Thứ ba, sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc…”.
>>>KINH TẾ 2023: Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới
Ở bên ngoài, theo IMF, nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ bước vào suy thoái kinh tế từ cuối năm 2022 với tăng trưởng giảm từ 5,7% trong năm 2021 xuống 1,6% vào năm 2022 và dự báo 1% vào năm 2023. Tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm còn 3,2% năm 2022, mức thấp nhất trong 40 năm qua. Tăng trưởng kinh tế của EU chậm lại với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 3,1% vào năm 2022 và chỉ còn 0,5% vào năm 2023.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Chính phủ tổ chức.
Trước sức cầu của thị trường thế giới co hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ kéo dài nên IMF dự báo, năm sau Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, đây cũng vẫn là mức tăng trưởng nhanh so với nhiều quốc gia.
Ông Francois Painchaud cho biết, trong nước, IMF nhận thấy hai rủi ro với Việt Nam: Thứ nhất, lạm phát sẽ tiếp tục tăng dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn. Thứ hai, tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay. Vì vậy điều hành chính sách phải xuyên suốt, linh hoạt và hài hoà để quản lý rủi ro, tối ưu hiệu quả chính sách giữa tăng trưởng và lạm phát, giảm thiểu ảnh hưởng của sự giảm tốc.
“Rõ ràng đây là yêu cầu lớn với chính sách tiền tệ tập trung vào bài toán lạm phát, có thể thắt chặt hơn nếu lạm phát tăng cao, giữ vững ổn định tài chính”, ông khẳng định.
Trong khi đó, khu vực FDI đặt dấu ấn ngày càng sâu đậm lên nền kinh tế khi đóng góp tới hơn 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Doanh nghiệp FDI chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đóng vai trò chi phối ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ đồ gỗ.
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.