Khi ngân hàng và Fintech cùng nhìn về một hướng
Ngày càng nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp tác với Fintech và xem đó là xu hướng phát triển tất yếu, đôi bên cùng có lợi. Đáng nói, đằng sau hợp tác này là cả một quá trình thay đổi và cởi mở hơn về tư duy cùng nhìn về một hướng.
Từ hợp tác đầu tiên đến xu hướng nở rộ
Năm 2020, Việt Nam có khoảng 150 Fintech, gần gấp 4 lần con số năm 2016, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Sự xuất hiện của ngày càng nhiều các công ty công nghệ tài chính (Fintech) với tốc độ phát triển nhanh và mạnh cũng kéo theo xu hướng bắt tay giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng và Fintech để tận dụng thế mạnh đôi bên, hợp tác cùng phát triển.
Tại một hội thảo tổ chức đầu tháng 12/2021, chủ tịch của một ngân hàng lớn đã khẳng định: “Sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech chắc chắn mang lợi ích cho cả hai bên và cho xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ngân hàng hợp tác với công ty Fintech là xu hướng tất yếu”.
Fintech có lợi thế trong việc tiếp cận và tương tác với khách hàng. Xu hướng hiện nay, các Fintech đang xây dựng để trở thành các siêu ứng dụng (Super App) đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của người dùng, trong đó đặc biệt quan trọng là dịch vụ tài chính, bảo hiểm. Các công ty tài chính tiêu dùng đã khởi đầu việc hợp tác với Fintech trong nhiều năm thông qua việc thu hộ, chi hộ các khoản vay và giới thiệu khách hàng mới có nhu cầu tín dụng. Mô hình này giúp các công ty tài chính có thể tiết kiệm được hơn 50% chi phí so với cách làm truyền thống.
Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình số hóa các dịch vụ ngân hàng, đồng thời tác động của dịch COVID-19 làm gián đoạn việc tiếp cận các kênh vật lý truyền thống đã là chất xúc tác cho mô hình mới, mở rộng hợp tác giữa ngân hàng và Fintech trong việc đăng ký tài khoản mới, vay tiêu dùng, mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến. Trong đó, ngân hàng sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ, Fintech sẽ hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ thông tin thẩm định các khoản vay, thu hộ, chi hộ…
Tháng 7/2021, MoMo là Fintech đầu tiên khởi động hợp tác cùng TPBank ra mắt sản phẩm tín dụng tiêu dùng theo xu hướng “Mua sắm trước, Trả tiền sau” (Buy Now - Pay Later) giúp người dùng có thể tiếp cận khoản vay tiêu dùng nhỏ ngay trên siêu ứng dụng MoMo. Sản phẩm hợp tác hướng tới việc đơn giản hóa, bình dân hóa dịch vụ tài chính tiêu dùng để mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Với mô hình số hóa toàn bộ các quy trình, khách hàng có thể được phê duyệt hạn mức và sử dụng dịch vụ ngay lập tức.
Trong một lần chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo nói: “Đã đến lúc chúng ta đều nhận thức được rằng, để phát triển thì cần phải xem ngân hàng và Fintech đều là thành tố của một hệ sinh thái tài chính. Trong mô hình này, các thành tố cùng tương tác, hỗ trợ, tận dụng thế mạnh của nhau để phát triển và tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ ngày càng rộng hơn, lớn hơn để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng”. Sự tăng trưởng đột biến của thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn 2019-2021 là một ví dụ rất điển hình cho thấy lợi ích từ mô hình hợp tác này.
Cơ hội lớn mở ra từ hợp tác
Trong vài năm trở lại đây, hoạt động chuyển đổi số tại nhiều ngân hàng ghi nhận những kết quả tích cực trong đó Fintech cũng đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự chuyển biến đó ngày một nhanh hơn. Các công ty Fintech đã tham gia cung cấp nhiều dịch vụ cho ngân hàng như: xây dựng các ứng dụng mobile banking, eKYC, chấm điểm tín dụng (Scoring), thanh toán, thu hộ, chi hộ…
Xu hướng gia tăng hợp tác toàn diện giữa ngân hàng và Fintech là một yếu tố rất tích cực, giúp mở rộng thị trường, đẩy mạnh tài chính toàn diện và tăng tốc quá trình chuyển đối số của toàn nền kinh tế trong đó “hệ thống tài chính phải là lĩnh vực đi đầu”, theo lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số vào tháng 11/2021.
“Để có thể hợp tác cả ngân hàng và Fintech đều cần hiểu về văn hóa tổ chức của nhau, chấp nhận những khác biệt về văn hóa tổ chức, quy mô, hạn chế khuôn khổ pháp lý,... để hướng tới mối quan hệ hợp tác bền vững ”, theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh về hợp tác giữa Fintech và ngân hàng.