Huyền thoại đầu tư Jim Rogers: “Thời kỳ tươi đẹp của kinh tế toàn cầu gần đến hồi kết”
Nền kinh tế toàn cầu chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn mặc cho Phố Wall vẫn còn hồ hởi bởi kỳ vọng Fed không nâng lãi suất, huyền thoại đầu tư Jim Rogers chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
“Thời kỳ tốt đẹp của thế giới đã gần tới hồi kết”, ông Rogers, người đồng sáng lập quỹ Quantum với George Soros trong thập niên 70, chia sẻ.
Huyền thoại đầu tư Jim Rogers |
Ông Rogers bước vào thế giới kinh doanh từ khi mới 5 tuổi, khởi đầu với việc bán đậu phộng và thu thập những chai soda rỗng. Vị chuyên gia đầu tư này nổi tiếng với các quan điểm lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc và xuất bản cuốn sách "A Bull in China" trong năm 2007. Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, ông cho biết "đã bắt hai con gái phải nói tốt tiếng Trung phổ thông và phải biết về Trung Quốc".
Còn về thị trường chứng khoán Mỹ, ông Rogers xem đây là một chỉ báo về kinh tế toàn cầu. Theo ông Roger, chứng khoán Mỹ đi lên từ những năm 2010 và đã ghi nhận “chuỗi tăng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với tôi, chuỗi thành tích tích cực có thể đã gần tới hồi kết”.
“Danh sách cổ phiếu tăng giá tiếp tục thu hẹp dần. Và điều này thường báo hiệu giai đoạn khó khăn sắp đến rồi. Mọi người sẽ gặp vấn đề trong vòng 1 hoặc 2 năm tới”, ông nói.
Ông Rogers kỳ vọng Fed giảm lãi suất “trong năm 2024”, nhưng cũng cho rằng suy thoái đang đến gần hơn.
Việc đưa ra cái nhìn bi quan về thế giới không phải là điều gì mới lạ với nhà đầu tư 81 tuổi này. Hồi năm 2015, trong cuộc phỏng vấn với Chris Martenson, ông cho biết: “Tôi cho rằng trong 1 hoặc 2 năm tiếp theo, chúng ta sẽ chứng kiến một vấn đề khủng khiếp trên các thị trường tài chính toàn cầu”.
Các nhận định mới nhất của ông Rogers được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gặp rắc rối lớn ở lĩnh vực bất động sản và từ đó “đè nặng” lên nền kinh tế toàn cầu. Tập đoàn bất động sản nặng nề Evergrande đã nộp đơn bảo hộ phá sản ở New York trong tháng 8/2023, trong khi Country Garden cũng không thể trả nợ đúng hạn với trái phiếu định danh bằng USD trong tháng 10/2023.
Ông Rogers kỳ vọng cuộc khủng hoảng này sẽ cần thời gian để “chữa lành” mọi thứ. “Bong bóng bất động sản Trung Quốc đã vỡ và sẽ cần thời gian dài để hồi phục”, ông nói. “Trung Quốc sẽ phải tốn thời gian dài để dọn dẹp bong bóng bất động sản”.
Hồi tháng 10/2023, Chính phủ Trung Quốc cũng đồng ý phát hành 1 ngàn tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) trái phiếu mới để thúc đẩy kinh tế.
“20, 30 năm trước, Trung Quốc nợ rất ít. Chẳng ai cho Trung Quốc vay”, Rogers chia sẻ, đồng thời nói thêm kể từ đó, Trung Quốc đã tiết kiệm tiền.
“Trung Quốc giờ đã có thể vay nợ và họ đang làm thế. Và giống với hầu hết quốc gia, khi mọi thứ bắt đầu trở nên tốt đẹp, chuyện vay nợ sẽ dễ dàng hơn và Trung Quốc đã vay rất nhiều”, ông Rogers chia sẻ. “Hiện tại thì vẫn ổn, nhưng rồi sẽ trở thành vấn đề lớn sau này. Nếu tôi là Trung Quốc, tôi đã không làm thế”, ông Rogers cảnh báo.
Về đà tăng 20% của thị trường cổ phiếu Nhật Bản, ông Rogers cho biết chỉ số Nikkei 225 “có thể trở lại mức đỉnh xưa cũ gần 40,000 điểm” nhờ vào một thế hệ nhà đầu tư trẻ mới tham gia thị trường. Chỉ số Nikkei 225 đã lập đỉnh cao nhất mọi thời đại 38,915.87 điểm vào tháng 12/1989.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết đã bán sạch cổ phiếu Nhật Bản. “Tôi bán không chỉ vì triển vọng tiêu cực, mà vì chúng đã tăng quá mạnh”, ông nói.
Bên cạnh sự nhiệt thành dành cho Trung Quốc, Rogers còn nổi tiếng về quan điểm tích cực về thị trường hàng hóa như đã lý giải trong cuốn sách năm 2007 của ông mang tên: “Hot Commodities: How Anyone Can Invest Profitably in the World's Best Market”.
Theo Rogers, dân số ngày càng giảm và việc Nhật Bản miễn cưỡng chấp nhận người nhập cư đang tạo ra “những đám mây đen” cản trở đà tăng trưởng kinh tế của xứ sở mặt trời mọc. Ông nói thêm: “Nhật Bản sắp gặp phải những vấn đề lớn, nhưng không phải là năm sau”.
Rogers khuyến nghị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngừng kiểm soát đường cong lãi suất và để thị trường quyết định khi đồng Yên cứ giảm so với đồng USD.
Cơ hội ở thị trường hàng hóa
Trong khi cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản tăng giá và đắt đỏ, thì Roger nhận thấy cơ hội ở một số hàng hóa vì ông cho rằng chúng là “loại tài sản rẻ nhất còn sót lại”.
Ông cho biết bạc và đường đã giảm 60%-70% so với mức cao nhất mọi thời đại. “Nếu muốn đầu tư vào đâu đó, thì hàng hóa là nơi tốt nhất. Bởi lẽ khi các Chính phủ in tiền, bạn buộc phải bảo vệ tài sản bằng cách nắm giữ tài sản thực”, ông nói.
Xu hướng giảm phát thải ròng trên toàn cầu đã thúc đẩy giá hàng hóa trên toàn cầu. Giá đồng, nickel và các kim loại quan trọng cho xe điện và năng lượng tái tạo đã tăng mạnh, trong khi một số công ty đang thoái vốn khỏi lĩnh vực năng lượng truyền thống như than đá.
“Tôi biết sẽ mất nhiều thời gian để loại bỏ than đá”, ông chia sẻ. “Ý tôi là ở các nơi sử dụng lượng lớn than đá như Ấn Độ và Trung Quốc. Và họ sẽ không thể nhanh đổi nhanh chóng”.
“Vì vậy, tôi sẽ chưa từ bỏ lĩnh vực than đá vì quá trình này không diễn ra nhanh chóng”, ông nói thêm. Vị huyền thoại này cũng đề xuất hiện chưa có đủ nguồn cung về năng lượng mới để thay thế hoàn toàn than đá và các nhiên liệu hóa thạch.