Giảm thuế VAT thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng
Người tiêu dùng đang được giảm giá hàng hóa dịch vụ thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Hiện đội ngũ kế toán doanh nghiệp cũng đang gấp rút tìm hiểu các quy định của Quốc hội và Chính phủ để áp dụng đúng quy định.
Giảm thuế VAT, kích cầu tiêu dùng
Sau khi Nghị quyết 43 của Quốc hội được ban hành về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định về chính sách miễn, giảm thuế. Theo đó, từ ngày 1/2/2022, thuế VAT đối với các hàng hóa dịch vụ đang chịu thuế VAT 10% sẽ được giảm xuống còn 8%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ như sau: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất… theo quy định tại Phụ lục I, II, III của Nghị định số 15. Những trường hợp hóa đơn không theo mức thuế suất được giảm, hai bên mua và bán hàng hóa dịch vụ phải điều chỉnh hóa đơn theo đúng quy định.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách - Tổng cục Thuế, mục đích lớn nhất của đợt giảm thuế VAT lần này nhằm kích cầu tiêu dùng. Do đó, Nghị định quy định các bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát bên bán hàng hóa dịch vụ để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ chính sách giảm thuế VAT. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm được giảm thuế nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường trong cả năm 2022.
Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách giảm thuế VAT |
Đánh giá về tác động của chính sách giảm thuế VAT, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, so với tất cả các gói hỗ trợ nằm trong chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội năm 2022 - 2023 mà Quốc hội đã thông qua thì gói hỗ trợ giảm thuế VAT (khoảng 49.000 tỷ đồng) sẽ có tác động nhanh nhất, hiệu quả nhất đối với việc phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Nếu như chính sách giảm thuế VAT lần trước (quý IV/2021) chỉ giảm cho 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, thì trong đợt này việc giảm thuế được áp dụng cho hầu hết các hàng hóa dịch vụ, trừ các lĩnh vực không bị ảnh hưởng do Covid-19.
Mặc dù việc giảm thuế VAT thoạt nhìn có vẻ nhỏ nhưng tác động sẽ rất đáng kể, bởi chính sách này sẽ tự động đi vào thực tế, không cần “đẻ” thêm bộ máy thực thi. Lợi ích từ việc giảm thuế sẽ san sẻ cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó kích cầu tiêu dùng mạnh hơn, tạo ra tăng trưởng sản xuất kinh doanh có thể đạt khoảng 7% trong năm 2022. Cùng với tăng trưởng của xuất khẩu cũng sẽ là động lực chính để tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Tận dụng chính sách
Giới kế toán doanh nghiệp những ngày gần đây đang trao đổi sôi nổi xoay quanh nội dung chính sách giảm thuế VAT, cách áp dụng và thực hiện sao cho đúng đối tượng và mục đích. Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC, TP.HCM cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay còn lúng túng không biết phân loại, xếp loại các loại hàng hóa dịch vụ như thế nào để xuất hóa đơn VAT cho đúng quy định của Nghị định 15. Nguyên do kế toán doanh nghiệp chưa được tập huấn về những quy định mới, thời gian nghiên cứu áp dụng gấp gáp, trong khi việc căn cứ vào mã hàng hóa, dịch vụ để xác định những cá nhân tổ chức được hưởng chính sách thuế VAT 8% rất rộng.
“Một doanh nghiệp kinh doanh văn phòng phẩm, siêu thị… có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu mã hàng hóa, nên khâu tra cứu đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để biết có mã nào không được thụ hưởng chính sách thuế VAT mới mất rất nhiều thời gian và công sức”, ông Thức đặt giả định.
Theo ông Thức, để tận dụng được các lợi ích từ chính sách giảm thuế VAT, thời điểm này các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần tìm hiểu kỹ Nghị định 15/2022, tiếp đó lập danh sách các mặt hàng, dịch vụ mà mình đang kinh doanh, sản xuất gồm những lĩnh vực, sản phẩm nào. Tra cứu xem ứng với từng mã sản phẩm hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp có mã sản phẩm nào được áp dụng chính sách giảm thuế VAT. Sau khi có các mã hàng hóa, dịch vụ kinh doanh phải so sánh mã từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ này so với mã hàng hóa dịch vụ được quy định ở các Phụ lục I, II, III (ban hành kèm Nghị định số 15/2022) để đối chiếu. Nếu mã hàng hóa, dịch vụ trùng với các phụ lục thì áp dụng thuế VAT 10%, ngược lại thì áp dụng thuế suất thuế VAT 8%.
Đối với các hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ ký vào thời điểm tháng 2/2022 nhưng quyết toán vào thời điểm 31/12/2022, theo ông Thức cũng sẽ thực hiện đối chiếu mã hàng với các phụ lục của Nghị định 15/2022, nếu không trùng các mã trong phụ lục thì áp dụng tính thuế 8%.
Có thể thấy việc giảm thuế VAT đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội và nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử Để tạo thuận lợi cho việc lập hóa đơn đáp ứng quy định giảm thuế VAT, hiện Tổng cục Thuế đã có thông báo về việc nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử. Theo đó, đối với người nộp thuế đang sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế đã bổ sung thêm mức thuế suất 8% (tương tự như mức thuế suất 5%, 10%) để người sử dụng lựa chọn khi lập hóa đơn trực tiếp trên hệ thống của cơ quan thuế; đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương chủ động tiếp nhận dữ liệu hóa đơn áp dụng thuế suất 8% đối với hóa đơn không lập trực tiếp trên hệ thống của cơ quan thuế. |
Thạch Bình