Giá vàng ngày 3/1: Bật tăng ngay khi mở cửa trở lại
Giá vàng trong nước và thế giới bật tăng ngay khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, báo hiệu cho một năm khởi sắc của thị trường vàng.
Vàng bật tăng ngay khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Cụ thể, tại thị trường trong nước, thời điểm lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 3/1, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá vàng miếng lên thêm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giữ nguyên mức giá bán ra so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, lên mức giá 66.200.000 đồng/lượng mua vào và 67.000.000 đồng/lượng bán ra.
Mức tăng giá này cũng được Công ty SJC áp dụng tại 2 thị trường lớn khác là Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng giá bán ra ở hai thị trường này cao hơn tại TP.HCM 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch biên độ mua bán của thương hiệu vàng quốc gia trong ngày cuối năm được thu hẹp còn 800.000 đồng/lượng.
Tương tự, thương hiệu Phú Quý SJC tăng giá vàng miếng lên thêm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên giao dịch ngày 2/1, lên mức giá 66.050.000 đồng/lượng mua vào và 66.950.000 đồng/lượng bán ra.
Cùng thời điểm, thương hiệu DOJI Sài Gòn niêm yết vàng miếng với mức giá 65.700.000 đồng/lượng mua vào và bán ra là 66.700.000 đồng/lượng, không thay đổi giá so với giá chốt phiên giao dịch trước đó.
Thương hiệu Vietinbank Gold không thay đổi giá mua và bán vàng miếng so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá niêm yết của thương hiệu này là 65.900.000 đồng/lượng mua vào và 66.720.000 đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, DOJI Hà Nội tăng giá vàng miếng lên 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên giao dịch ngày 2/1, lêm mức giá 65.900.000 đồng/lượng mua vào và 66.900.000 đồng/lượng bán ra.
Cùng chung với đà tăng của vàng miếng SJC, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM trong phiên giao dịch sáng nay cũng tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 2/1. Hiện giá niêm yết vàng trang sức PNJ tại thị trường TP.HCM là 53.100.000 đồng/lượng mua vào và 54.200.000 đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng trang sức hiện là 12.800.000 đồng/lượng.
>>>Giá vàng ngày 31/12: Khép lại năm 2022, vàng SJC chạm ngưỡng 67 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới bật tăng mạnh, báo hiệu một năm khởi sắc của kim loại quý - Nguồn: Kitco.com.
Tại thị trường thế giới, thời điểm lúc 9 giờ 45 cùng ngày, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức giá 1.838 USD/ounce, tăng gần 14 USD/ounce so với thời điểm kết thúc phiên giao dịch của năm 2021. Giá vàng thế giới quy đổi tại thời điểm này tương đương gần 51 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới mở phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2023 vào rạng sáng nay bật tăng lên mức giá 1.832 UDS/ounce. Sau đó, gái vàng thế giới điều chỉnh giảm, nhưng đến thời điểm 9 giờ 30 sáng, giá vàng thế giới tiếp tục bật tăng mạnh.
Triển vọng giá vàng năm 2023 được các nhà phân tích dự báo sẽ đạt ngưỡng trung bình 1.900 USD/ounce. Nhiều chuyên gia về vàng nhận định, giá vàng năm 2023 được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu do chính sách tiền tệ nới lỏng của Cụ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và tác động bởi sự bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, thị trường vàng đang kỳ vọng FED sẽ tăng mức lãi suất cuối cùng lên mức 500 - 525 điểm phần trăm vào nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường BCA của Mỹ cho rằng, FED sẽ giảm lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.
Giới phân tích cho rằng, về lâu dài, ngân hàng trung ương các nước sẽ muốn thay thế USD bằng vàng trong kho dự trữ của họ để đề phòng các rủi ro kinh tế, như bất ổn kinh tế toàn cầu và địa chính trị.
Chuyên gia Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết, lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí cho việc nắm giữ vàng, trong khi đó tích trữ vàng không mang lại lợi nhuận.
Trong khi đó, chuyên gia Julia Cordova, người sáng lập Cordovatrading.com cho rằng, nếu vàng có thể giữ mức hỗ trợ ở mức 1.820 USD/ounce, thì nó có thể kích hoạt động thái tăng lên mức 1.860 USD/ounce.