Giá điện tăng, thêm áp lực cho doanh nghiệp sản xuất
Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá điện tăng 4,8% kể từ ngày 11/10, lên mức 2.103,11 đồng/kWh đang tạo ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng giá điện, giá thành sản xuất sản phẩm ngành này tăng thêm từ 0,5-1%, trong đó doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông và ép sản phẩm nhựa tăng nhiều nhất vì sử dụng nhiều điện.
Bên cạnh giá điện, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào cũng tăng. Cụ thể, cao su thiên nhiên giá tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; cao su tổng hợp tăng 5%-10% và các loại hóa chất khác liên quan đến sản xuất ngành này cũng tăng, có loại tăng đến 20%. Đồng thời, tháng 7 qua, mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng tăng. Tất cả các khoản tăng này làm cho giá thành sản xuất tăng thêm khoảng 5%. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá bán, điều này làm cho doanh nghiệp càng khó khăn.
Khó khăn nhất của doanh nghiệp là khi tăng giá bán sản phẩm thì khách hàng ở các chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ, siêu thị không chấp nhận. Còn với khách hàng nước ngoài thì doanh nghiệp đã ký hợp đồng dài hạn nên khách hàng căn cứ vào hợp đồng mà thực hiện. Doanh nghiệp không thể tăng giá bán được, trừ khi nào có 1 lý do nào đó ảnh hưởng lớn.
Đối với doanh nghiệp sản xuất ngành thép do cũng sử dụng điện nhiều nên chịu ảnh hưởng lớn. Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thép lớn ở TP.HCM cho biết, doanh nghiệp này sử dụng tiền điện mỗi tháng hàng tỷ đồng với các yếu tố đầu vào khác trong sản xuất tăng và giá điện cũng tăng. Vì thế đầu tháng 10 này sản phẩm thép của doanh nghiệp tăng thêm 450 đồng /kg với giá bán 14.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cho rằng giá điện tăng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, vì 30% sản phẩm của công ty này phục vụ xuất khẩu.
Ở lĩnh vực chế biến gỗ, dù sử dụng điện không nhiều, tuy nhiên việc tăng giá điện cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Cho nên, nhiều doanh nghiệp tiếp tục rà soát lại quy trình sản xuất, máy móc thiết bị để tiết kiệm điện, nhất là thiết bị cũ tiêu hao nhiều năng lượng, đồng thời chuyển đổi sử dụng năng lượng điện mặt trời. Tuy nhiên, đây là kế hoạch dài hạn mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện chuyển đổi ngay.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng kiến trúc AA chia sẻ: Hiện nay xu thế của các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ là chuyển đổi sử dụng điện mặt trời. Doanh nghiệp này cũng đã chuyển đổi sang hệ thống điện mặt trời và dùng thiết bị đo năng lượng tiêu thụ hằng ngày. Đồng thời rà soát các thiết bị, bố trí hợp lý hơn để tiết kiệm năng lượng. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã tiết kiệm 20% điện năng tiêu thụ, tương đương vài trăm triệu đồng.
Doanh nghiệp này đang hướng tới chương trình giảm phát thải khí nhà kính, tập trung vào hệ thống đang tiêu hao điện lớn. Ngoài máy móc thì hệ thống tiêu hao điện lớn của nhà máy sẽ tiến tới cải tiến, đó là hệ thống hút bụi gỗ và hệ thống xử lý sơn.