A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch đảo Cồn Cỏ - khám phá thiên nhiên hoang sơ

Đảo Cồn Cỏ hay còn gọi là đặc khu Cồn Cỏ đang là điểm du lịch khám phá thu hút nhiều du khách khi tới Quảng Trị trong những năm gần đây. Du lịch đảo Cồn Cỏ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi cuộc sống ồn ào, khói bụi của thành phố tìm về chốn yên tĩnh thanh bình.

6582dac08f61393f6070.jpg

Đảo Cồn Cỏ là một hòn đảo nằm ở tỉnh Quảng Trị, cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 15 hải lý. Đảo Cồn Có có diện tích khoảng 4 km2, chu vi 8 km, độ cao từ 5-30 m so với mặt nước biển với hình dạng hơi tròn. Với vị trí đặc biệt quan trọng là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ – cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ biển đảo, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Đảo Cồn Cỏ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp với rừng nguyên sinh, hải sản phong phú. Theo các nghiên cứu, địa chất Cồn Cỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa. Chính vì vậy, bãi đá tại đây có màu đen tuyền rất đặc trưng. Hiện nay, tour du lịch Cồn Cỏ được đánh giá rất hấp hẫn du khách khi đến Quảng Trị.

Đến đảo Cồn Cỏ, nơi du khách tới thăm đầu tiên là cột cờ trên đảo. Cột cờ tổ quốc ở Cồn Cỏ có chiều cao 38,8 mét, mang lá quốc kỳ rộng 24 m² tung bay kiêu hãnh trong gió biển. Mỗi lần đứng dưới bóng cờ đỏ sao vàng rực rỡ sẽ cảm nhận rõ nét hơn niềm tự hào về quê hương đất nước, lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha anh đi trước và cả những người lính đã và đang ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng.

56924adb0c7aba24e36b.jpg

Dời cột cờ, điểm dừng chân kế tiếp là Đài tưởng niệm đồi 37. Đài tưởng niệm là một công trình đầy ý nghĩa, nơi lưu giữ nhiều câu chuyện về một thời kỳ lịch sử hào hùng, nơi tôn vinh, tưởng nhớ những anh hùng đã anh dũng hy sinh xương máu trong hành trình bảo vệ biển đảo quê hương. Đứng ở đài tưởng niệm, có thể nhìn bao quát cảnh quan đảo Cồn Cỏ với biển xanh mênh mông, gió biển rì rào.

Bến Nghè làm trung tâm để giới thiệu với du khách về Cồn Cỏ. Bến Nghè - còn gọi là Bãi Nghè, vừa là cái rốn của đảo, là nơi đang tàng ẩn trong lòng những trầm tích xa xưa nhất của Hòn Cỏ. Nơi này, còn được gọi với cái tên khác là “bờ kè đảo Cồn Cỏ”. Đây cũng là điểm du lịch tự nhiên xinh đẹp, nơi đón tia nắng đầu tiên trên đảo. Gió biển lồng lộng thổi, những đợt sóng triền miên vỗ vào bậc đá, bên cạnh đó là những gốc bàng vuông vững chãi vươn mình như một hàng rào bảo vệ đảo khỏi những khắc nghiệt của biển khơi.

Một điểm gây ấn tượng khác cho du khách khi đến thăm Cồn Cỏ, là ngọn hải đăng. Nhìn từ xa, ngọn hải đăng đứng sừng sững giúp tàu thuyền định hướng và là cột mốc hết sức quan trọng để xác định đường cơ sở biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Từ trên đỉnh ngọn hải đăng, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quanh toàn đảo. Vào ban đêm, hải đăng trở thành nguồn sáng quý giá, dẫn lối cho các tàu thuyền định hướng và đảm bảo an toàn khi di chuyển qua vùng đảo Cồn Cỏ.

Bên cạnh ngọn hải đăng là Đài quan sát Thái Văn A. Thái Văn A là chiến sĩ trinh sát trên đảo Cồn Cỏ, làm nhiệm vụ quan sát tại đỉnh 63 (điểm cao nhất đảo) để xác định vị trí máy bay hay tàu chiến đối phương, rồi thông báo cho các đơn vị pháo cao xạ bắn vào mục tiêu. Do có công lao lớn nên sau này được đặt tên cho ngọn đồi trên đảo Cồn Cỏ. Ngoài ra trên đảo còn có một số điểm tham quan khác như Giếng cổ, biển Đá Đen, Mõm Hổ, hồ Nước Ngọt, bến Sông Hương…

22a9b0ebe54a53140a5b-1-.jpg

Lặn ngắm san hô là cũng là hoạt động trải nghiệm tuyệt vời. Đảo Cồn Cỏ có hệ sinh vật biển thuộc loại phong phú, đẹp nhất của Việt Nam. Các loài rong biển, tảo biển, san hô vô cùng sặc sỡ, nhiều màu sắc làm nên không gian biển dưới nước sinh động tràn đầy sức sống. Cồn Cỏ có hơn 50 loài rong biển.

Theo kết quả nghiên cứu, vùng biển Cồn Cỏ có 207 loài cá của 120 giống thuộc 69 họ, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác,164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm động vật phù du trong vùng biển đảo. Tổng trữ lượng nguồn hải sản vùng biển đảo Cồn Cỏ ước tính đạt khoảng 60.000 tấn/năm, trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Rùa biển, tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cá chim trắng, cá hải quỳ, ốc đụn, ốc gai, ốc vú nàng, hải sâm, sao biển, cầu gai…

Đáy biển Cồn Cỏ là một trong những vùng biển có rặng san hô tốt nhất đã được khảo sát tại Việt Nam. Theo thống kê khảo sát, hiện san hô đảo Cồn Cỏ có tới 113 loài, 42 giống, 15 họ, trong đó, có có nhiều loài san hô quý, hiếm như san hô đen, san hô đỏ, san hô sừng, san hô cành, san hô tấm…. Vẻ đẹp độc đáo, hiếm có của những dải san hô đen huyền bí bao quanh như lời mời gọi hấp dẫn mà du khách ưa khám phá khó lòng cưỡng lại. Ben cạnh đó, khi đến đảo Cồn Cỏ, du khách sẽ được đắm mình trong không gian của biển cả, cùng những hoạt động như: câu cá, câu mực đêm cùng ngư dân.

Ẩm thực cũng là điểm thu hút du khách khi đến Cồn Cỏ. Tại đây, du khách có thể thưởng thức món Hàu Vua chỉ có ở hòn đảo này. Đây là loại hàu có thể đạt được kích thước bằng đầu người. Ngoài ra, còn có các món hải sản tươi ngon như tôm, cá biển, ốc mắt ngọc, ốc đồi, ốc thổ. Rong biển cũng là món đặc trưng của vùng đảo Cồn Cỏ, tạo nên sự thích thú cho du khách khi ghé thăm.

du-lich-con-co-ben-tranh.jpg

Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Quảng Trị- Giám đốc Công ty du lịch Việt Hà chia sẻ: “Với những thế mạnh về tự nhiên, tour du lịch biển đảo Cồn Cỏ sẽ thu hút du khách đến với Quảng Trị nhiều hơn. Trên địa bàn huyện hiện có 5 điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát đảm bảo phục vụ cho khoảng 500 khách với những món ăn đặc trưng của đảo. Có 7 địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú với số lượng 73 phòng nghỉ, phục vụ trên 250 khách lưu trú. Về phương tiện vận chuyển, hiện có 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên 189 (Bộ Quốc phòng) với tàu ConCo Tourist (sức chở 80 khách) và Công ty TNHH Chín Nghĩa Quảng Trị với tàu Chín Nghĩa Quảng Trị (sức chở 156 khách).

Theo chuyên gia Viện Du lịch Phát triển châu Á: “Du lịch đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị được xác định là tour du lịch trải nghiệm và khám phá, với những tiềm năng đặc trưng riêng của mình. Tuy nhiên, làm sao cân đối được lượng khách đến vừa đủ, đang là bài toán cho đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, khi xây dựng tour cho Cồn Cỏ cũng cần xác định khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên như thế nào để khỏi ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên ở nơi đây. Hiện tại, rừng nguyên sinh Cồn Cỏ là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật, được ví như một lá phổi xanh, với tổng diện tích cây che phủ lên đến hơn 70% diện tích của đảo. Được đánh giá là hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng, là hệ sinh thái rừng khá hiếm của núi lửa Việt Nam, các loại cây đặc trưng của vùng biển đảo như: Cây Bàng vuông, cây Dứa dại, cây Phong ba và nhiều cây thuốc quý như: Giảo cổ lam, chuối rừng. Chính vì vậy, khám phá khu rừng nguyên sinh trên đảo giữa biển khơi cũng là trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến đây.

Hướng dẫn viên du lịch Trần Lực chia sẻ: “Đảo Cồn Cỏ còn hoang sơ, có nhiều vẻ đẹp tự nhiên, người dân trên đảo cũng thân thiện, không khí trong lành, mát mẻ… một địa điểm đáng để du khách chinh phục và trải nghiệm”.

8cc8d87d81dc37826ecd.jpg

Hiện tại đặc khu Cồn Cỏ cần chú ý bám sát Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và định hướng phát triển về phía Đông của tỉnh, trọng tâm là phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị (cũ) thành lập tháng 10/2004, nay là đặc khu Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị (mới) với diện tích tự nhiên 230 ha. 6 tháng đầu năm, địa phương đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đề ra. Đặc biệt, sau khi thực hiện chính quyền 2 cấp, đặc khu Cồn Cỏ tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới. Từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách của địa phương đạt hơn 46,6 tỷ đồng; khách du lịch ra đảo đạt hơn 5.860 lượt, đạt gần 50% kế hoạch năm; doanh thu từ dịch vụ, du lịch ước đạt trên 8,8 tỷ đồng…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết