Dự báo mọi thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý III hoặc quý IV
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan điều hành sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ "phù hợp", không vội vàng thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường tài chính.
Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán VnDirect, có 2 lý do để cơ quan quản lý không vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Thứ nhất, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong các tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 mới ở mức 2,4% so với cùng kỳ năm trước, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%.
Thứ hai, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Mọi thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý III hoặc quý cuối cùng của năm nay. Tuy nhiên, mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%.
Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ duy trì ở mức cao khoảng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, sẽ có một số ngân hàng thương mại được nâng "trần" tăng trưởng tín dụng từ cuối quý III.
Về lãi suất cho vay, NHNN đang triển khai gói bù lãi suất với tổng quy mô 40.000 tỷ đồng. NHNN đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Doanh nghiệp tham gia một số dự án trọng điểm quốc gia, và kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).
Do đó, gói bù lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản vào năm 2022.
Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất tiền gửi.
Trên thực tế, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh tính đến đầu tháng 7 không đổi so với mức cuối năm 2021, trong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng nhích tăng 4 điểm cơ bản.
Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng lần lượt tăng 27 điểm cơ bản và 26 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021.
Theo dự báo của chuyên gia phân tích, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III/2022 do nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý IV sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. Cụ thể, lãi suất huy động dự báo sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.
"Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm", ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích thuộc VNDirect nêu.