A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 13-17/1

Thị trường mở tuần qua không có giao dịch thành công. Kết thúc tuần ngày 17/1, VN-Index đứng ở mức 978,96 điểm, tăng 10,42 điểm (+1,08%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,66 điểm (+1,62%) lên 103,88 điểm; UPCOM-Index giảm nhẹ 0,15 điểm (-0,27%) xuống mức 55,41 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 51 tỷ đồng…

diem lai thong tin kinh te tuan tu 13 171

Tổng quan

Mỹ tiếp tục đưa Việt nam và Danh sách Giám sát thao túng tiền tệ, mặc dù Việt Nam chỉ còn vướng một trong 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đặt ra.

Từ năm 2015, định kỳ một năm hai lần vào tháng Tư và tháng Mười, Bộ Tài chính Mỹ công bố Báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của nước này, trong đó đánh giá các quốc gia bị quy là Thao túng tiền tệ hoặc bị đưa vào Danh sách Giám sát.

Trong báo cáo hồi tháng 5/2019, Việt Nam lần đầu tiên bị đưa vào Danh sách Giám sát này. Ngày 14/1 vừa qua, chậm 3 tháng so với thông lệ, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo mới nhất.

Trong Báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ xem xét 20 đối tác thương mại lớn của nước này với giao dịch hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 40 tỷ đô la hàng năm cùng với ba tiêu chí sau để đưa vào Danh sách Giám sát: (1) Thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ với mức ít nhất là 20 tỷ USD trong thời gian 12 tháng; (2) Thặng dư tài khoản vãng lai vật chất chiếm ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội GDP của nước đó trong khoảng thời gian 12 tháng; (3) Can thiệp liên tục, một chiều trên thị trường ngoại tệ khi các giao dịch mua ngoại tệ ròng được thực hiện liên tục, trong ít nhất 6 trong số 12 tháng báo cáo và các giao dịch mua ròng này bằng 2% GDP của nền kinh tế trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng.

Một nền kinh tế gặp phải 2 trong 3 tiêu chí trên sẽ được đưa vào danh sách. Nếu đã vào Danh sách Giám sát, một nền kinh tế sẽ được xem xét trong ít nhất 2 báo cáo liên tiếp sau đó để đảm bảo rằng bất kỳ cải thiện nào trong các tiêu chí này đều bền vững và không chỉ là tạm thời.

Ngoài ra, Bộ có thể bổ sung và giữ lại trong Danh sách Giám sát bất kỳ đối tác thương mại lớn nào chiếm tỷ trọng lớn và không cân xứng trong thâm hụt thương mại chung của Mỹ ngay cả khi nền kinh tế đó không đáp ứng hai trong ba tiêu chí.

Nếu một nước bị gắn mác thao túng tiền tệ, thì một số quy định của Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988 sẽ được Mỹ kích hoạt. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ quyết định đàm phán song phương hoặc cùng IMF đàm phán với quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ để quốc gia đó kịp thời điều chỉnh chính sách tỷ giá nhằm loại bỏ lợi thế thương mại không công bằng, gây bất lợi cho nước kia. Trong trường hợp không được giải quyết, Mỹ sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn đối với nước đó, như áp mức thuế cao hơn, loại trừ khỏi các hợp đồng mua sắm của Chính phủ Mỹ...

Tuy nhiên, ngay cả khi bị "gắn mác" thao túng tiền tệ, theo quy định vẫn sẽ có 1 năm để hai bên tiến hành trao đổi, thương lượng để giải quyết vấn đề.

Trong Báo cáo tháng 5/2019, Việt Nam bị đưa vào Danh sách Giám sát do chạm hai ngưỡng là cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP, còn điều kiện thứ 3 là có can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối thông qua việc mua ròng ngoại tệ liên tục của Ngân hàng Nhà nước cũng đã gần chạm ngưỡng (1,7% GDP so với ngưỡng 2% GDP). Tại thời điểm đó, các chuyên gia đã lo ngại, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt, Việt Nam là quốc gia có khả năng khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, trong báo cáo 1/2020 với kỳ đánh giá 12 tháng đến hết 6/2019, Việt Nam chỉ vướng 1 trong 3 tiêu chí là thặng dư cán cân thương mại hàng hóa với Mỹ 47 tỷ USD (theo số liệu của Mỹ), đứng thứ 5/10 nước trong Danh sách Giám sát, sau Trung Quốc, Nhật, Đức, Ireland; 2 tiêu chí còn lại là thặng dư cán cân vãng lai chỉ ở mức 1,7% GDP; và mua ròng ngoại tệ bằng 0,8% GDP.

Với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

Báo cáo khuyến nghị, khi Việt Nam tăng cường khung chính sách tiền tệ và dự trữ đạt mức phù hợp, Việt Nam nên giảm bớt sự can thiệp và cho phép thay đổi tỷ giá theo các nguyên tắc kinh tế, bao gồm tăng dần tỷ giá hối đoái thực, sẽ giúp giảm mất cân đối bên ngoài, bao gồm thặng dư thương mại song phương với Mỹ.

Ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ ra báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác. Ðồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 13-17/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng giảm nhẹ. Chốt tuần 17/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.157 VND/USD, giảm trở lại 9 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.802 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua chủ yếu giao dịch dưới ngưỡng tỷ giá mua do Ngân hàng Nhà nước niêm yết. Kết thúc phiên cuối tuần 17/1, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.170 VND/USD, tiếp tục giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần vừa qua, chốt phiên cuối tuần giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.170 - 23.200 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 13-17/1, lãi suất VND liên ngân hàng dao động tăng - giảm qua các phiên đầu tuần, phiên cuối tuần tăng mạnh, đặc biệt ở 2 kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Chốt phiên cuối tuần 17/1, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 3,16% (+2,22 điểm phần trăm); 1 tuần 3,43% (+1,97 điểm phần trăm); 2 tuần 3,50% (+0,85 điểm phần trăm); 1 tháng 3,58% (+0,14 điểm phần trăm).

Lãi suất USD liên ngân hàng ít biến động ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Cuối tuần 17/1, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 1,74% (không thay đổi); 1 tuần 1,81% (-0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 1,89% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,05% (-0,03 điểm phần trăm).

Thị trường mở tuần từ 13-17/1, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 3.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, 3 phiên đầu với kỳ hạn 28 ngày, 2 phiên cuối tuần với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất chào thầu đều ở mức 4,0%. Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu trong tuần. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua.

Thị trường trái phiếu trong tuần, Kho bạc Nhà nước huy động thành công toàn bộ 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 20 năm huy động được 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.

Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh so với phiên trước đó, cụ thể: lãi suất kỳ hạn 5 năm giảm 20 điểm xuống mức 1,8%/năm; kỳ hạn 10 năm giảm 38 điểm xuống mức 3,1%/năm; kỳ hạn 15 năm giảm 45 điểm xuống mức 3,2%/năm; kỳ hạn 20 năm giảm 39 điểm xuống mức 3,63%/năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường trái phiếu thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.706 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 10.853 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần vừa qua đồng loạt giảm mạnh so với tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần 17/1, lợi suất trái phiếu chính phủ được giao dịch quanh 1 năm 1,3% (-0,14 điểm phần trăm); 2 năm 1,43% (-0,15 điểm phần trăm); 3 năm 1,53% (-0,21 điểm phần trăm); 5 năm 1,77% (-0,17 điểm phần trăm); 7 năm 2,48% (-0,22 điểm phần trăm); 10 năm 3,06% (-0,32 điểm phần trăm); 15 năm 3,18% (-0,36 điểm phần trăm).

Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục lình xình quanh mốc tham chiếu, đồng thời thanh khoản cũng ở mức thấp. Kết thúc tuần ngày 17/1, VN-Index đứng ở mức 978,96 điểm, tăng 10,42 điểm (+1,08%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,66 điểm (+1,62%) lên 103,88 điểm; UPCOM-Index giảm nhẹ 0,15 điểm (-0,27%) xuống mức 55,41 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 3.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 51 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần vừa qua.

diem lai thong tin kinh te tuan tu 13 171

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

Tin quốc tế

Ngày 15/1 tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng đặt bút ký vào bản thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Nhà Trắng. Thỏa thuận này dài 86 trang, bao gồm 8 chương từ các quy định về sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc, sự minh bạch về chính sách tiền tệ…

Quan trọng nhất, các mức thuế quan Mỹ dự kiến áp dụng vào ngày 15/12/2019 đã chính thức được hủy bỏ, Washington sẽ giảm mức thuế 15% lên 120 tỷ USD hàng Trung Quốc xuống còn 7,5%.

Ở phía ngược lại, Bắc Kinh sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ của Mỹ trong vòng hai năm tới.

Tuy nhiên, Washington vẫn giữ nguyên mức thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa Trung Quốc khác và Bắc Kinh vẫn giữ các mức thuế đối đầu đã áp dụng.

Trước khi thỏa thuận thương mại được ký kết 2 ngày, ngày 13/1 Bộ Tài chính Mỹ đã ra báo cáo bán niên muộn 3 tháng so với giữa tháng 10 như thường lệ. Trong báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ cho biết danh sách theo dõi thao túng tiền tệ bao gồm 10 nước bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thụy Sĩ.

Bên cạnh đó, 3 tiêu chí để đánh giá thao túng tiền tệ vẫn được giữ nguyên như báo cáo hồi tháng 05/2019. Sau khi đánh giá các tiêu chí này tại từng nước, Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có nước nào thuộc thuộc diện thao túng tiền tệ.

Về trường hợp Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ giải thích trước đây nước này bị cáo buộc thao túng tiền tệ do từng bước làm mất giá đồng CNY trong thời kỳ chiến tranh thương mại, do đó vi phạm quy định trong Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988.

Cho đến thời điểm hiện tại, căng thẳng giữa hai nước đã được hạ nhiệt và đồng CNY đang hồi phục, Trung Quốc cũng khẳng định sẽ cải thiện sự minh bạch trong chính sách tiền tệ qua thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ kết luận nước này đã không còn thuộc diện thao túng tiền tệ.

PL

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan