Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/3
Thị trường mở phiên hôm qua không có giao dịch thành công. VN-Index giảm 43,13 điểm (-6,08%) xuống 666,59 điểm; HNX-Index giảm 5,33 điểm (-5,24%) xuống 96,46 điểm; UPCOM-Index giảm 2,28 điểm (-4,57%) xuống 47,57 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá cao. Khối ngoại bán ròng mạnh trên 401 tỷ đồng…
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 23/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.259 VND/USD, tăng 7 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.907 VND/USD, tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.630 VND/USD, tăng vọt 170 đồng so với phiên 20/3. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 120 đồng ở chiều mua vào và 130 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.770 - 23.850 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên 23/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,04 - 0,06 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 1,98%; 1 tuần 2,20%; 2 tuần 2,38% và 1 tháng 2,65%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm nhẹ 0,01 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 1,26%; 1 tuần 1,37%; 2 tuần 1,41%, 1 tháng 1,53%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,04%; 5 năm 2,19%; 7 năm 2,63%; 10 năm 3,10; 15 năm 3,17%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 3,5%, không có khối lượng trúng thầu, số lượng lưu hành trên kênh này là 1 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần, sự bán tháo diễn ra trên thị trường tiếp tục khiến cho nhiều cổ phiếu lớn lao dốc. Chốt phiên, VN-Index giảm 43,13 điểm (-6,08%) xuống 666,59 điểm; HNX-Index giảm 5,33 điểm (-5,24%) xuống 96,46 điểm; UPCOM-Index giảm 2,28 điểm (-4,57%) xuống 47,57 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức khá cao với tổng giá trị giao dịch đạt trên 5.700 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh trên 401 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/2/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019; vốn điều chỉnh đăng ký tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, bằng 74,6% so với cùng kỳ năm 2019; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có tổng giá trị vốn góp 827,3 triệu USD, tăng 52,4% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 16% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Tính tới 20/2, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 2,45 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2019.
Tin quốc tế
Tối qua theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed thông báo thực hiện loạt biện pháp hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và các chủ lao động lớn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Fed sử dụng quỹ dự trữ để trực tiếp đáp ứng các khoản vay từ các công ty.
Chính phủ nước Đức ngày 23/3 thống nhất với gói hỗ trợ kinh tế 156 tỷ EUR tương đương 166,5 tỷ USD. Gói cứu trợ này dự định sẽ dựa trên các khoản nợ công mới trị giá 122 tỷ EUR và một gói giảm thuế khoảng 33 tỷ. Hạ viện Đức sẽ bỏ phiếu vào ngày 25/3 và nhiều khả năng sẽ tán thành với gói hỗ trợ này.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 23/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định nước này cần đưa ra các biện pháp kinh tế tài chính lớn, có sức ảnh hưởng mạnh và tức thì nhằm đối phó với những rủi ro từ dịch bệnh. Theo đó, ông Shinzo Abe cam kết sẽ tung gói kích thích kinh tế trị giá 137 tỷ USD bằng cách tăng chi tiêu chính phủ. Ông nhấn mạnh thêm, tùy vào tình hình, Chính phủ nước này có thể sẽ tung ra tiếp các gói hỗ trợ lớn hơn, vượt qua cả những chính sách đã được sử dụng trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-2008.
PL
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB