Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/3
Thị trường mở phiên hôm qua không có giao dịch thành công. VN-Index giảm 13,92 điểm (-1,83%) xuống 747,86 điểm; HNX-Index giảm 1,76 điểm (-1,74%) xuống 99,62 điểm; UPCOM-Index giảm 0,34 điểm (-0,67%) xuống 50,15 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá cao. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 400 tỷ đồng…
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 16/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.222 VND/USD, tăng mạnh 10 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.869 VND/USD, tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.235 VND/USD, tăng mạnh 35 đồng so với phiên 13/3. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 40 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.330 - 23.340 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên 16/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 2 tuần và tăng 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 2,27%; 1 tuần 2,47%; 2 tuần 2,60% và 1 tháng 2,77%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm mạnh 0,25 - 0,40 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống; giao dịch tại: qua đêm 0,88%; 1 tuần 0,98%; 2 tuần 1,14%, 1 tháng 1,31%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở kỳ hạn 3 năm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3 năm 1,69%; 5 năm 1,85%; 7 năm 2,0%; 10 năm 2,33; 15 năm 2,44%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,0%, không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường chứng khoán phiên 16/3, hàng loạt cổ phiếu trụ cột tiếp tục bị bán mạnh, tạo áp lực rất lớn lên các chỉ số. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,92 điểm (-1,83%) xuống 747,86 điểm; HNX-Index giảm 1,76 điểm (-1,74%) xuống 99,62 điểm; UPCOM-Index giảm 0,34 điểm (-0,67%) xuống 50,15 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức khá cao nhưng thấp hơn các phiên trước với tổng giá trị giao dịch đạt trên 5.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 400 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất chính thức có hiệu lực từ ngày 17/3. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.
Đồng thời, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm.
Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.
Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 1%/năm.
Tin quốc tế
Các ngân hàng trung ương trên thế giới có những động thái mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Cụ thể, rạng sáng ngày 16/3 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã có cuộc họp khẩn cấp lần hai trong tháng này. Fed nhận định dịch Covid-19 đang bùng nổ tại nhiều nước trên thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế toàn cầu trong đó có cả Mỹ. Theo đó, cơ quan này hạ mạnh lãi suất chính sách 1,0 điểm phần trăm xuống mức 0,0 - 0,25% nhằm hỗ trợ kinh tế quốc nội, bao gồm phát triển việc làm tối đa và duy trì mục tiêu ổn định giá cả.
Quyết định trên được sự đồng thuận của 9/10 thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC. Thành viên duy nhất cho rằng chỉ nên hạ lãi suất xuống mức 0,50 - 0,75% là bà Loretta J. Mester, Giám đốc điều hành Fed chi nhánh Cleverland.
Cũng trong những ngày cuối tuần qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc PBoC thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 50 đến 100 điểm cơ bản cho các ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 16/3, nhằm bơm khoảng 550 tỷ CNY tương đương 79 tỷ USD vào thị trường.
Kế đến, ngày 16/3, ngân hàng trung ương Nhật Bản BOJ có cuộc họp bất thường, mặc dù quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức -0,10% nhưng tăng mức vốn hằng năm để mua chứng khoán thuộc quỹ hoán đổi danh mục lên 12.000 tỷ JPY, bên cạnh đó cũng sẽ nâng mức mua trái phiếu doanh nghiệp lên 2.000 tỷ JPY, tổng cộng tương đương khoảng 130 tỷ USD.
Tiếp theo, ngân hàng trung ương New Zealand RBNZ ngày hôm qua cắt giảm mạnh lãi suất chính sách 0,75 điểm phần trăm, từ 1,0% xuống còn 0,25%.
Cuối cùng, ngân hàng trung ương Hàn Quốc BOK ngày 16/3 cắt giảm lãi suất chính sách 0,5 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục 0,75%; ghi dấu lần hạ lãi suất khẩn cấp đầu tiên trong hơn 10 năm qua.
Có thể thấy, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cùng đang có hướng đi chung, nới lỏng chính sách tiền tệ với những động thái khác nhau, gần như ở mức tối đa nhằm ổn định nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng vì những hậu quả từ dịch Covid-19.
Theo cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng công nghiệp nước này giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước trong tháng vừa qua sau khi cho thấy tăng 6,9% ở tháng 1, sâu hơn nhiều so với dự báo chỉ giảm 3,0%.
Tiếp theo, giá trị đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc tính tới hết tháng 2 đã giảm 24,5% so với đầu năm, trái ngược mức tăng 5,4% của tháng 1 và tiêu cực hơn nhiều so với dự báo chỉ giảm 2,0%.
Doanh số bán lẻ trong tháng 2 giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với mức tăng 8,8% của tháng 1 và sâu hơn dự báo giảm 4,0%.
Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc trong tháng 2 tăng vọt lên mức 6,2% từ mức 5,2% của tháng 1.
PL
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB