A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất thúc đẩy phát triển vùng kinh tế vùng Đông Nam bộ

Ngày 10/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đã chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng lần thứ 4. Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, các thành viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Tình hình tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ

Theo Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ, trong 7 tháng qua, dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước. Tăng trưởng kinh tế vùng đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4.Ảnh: Nguyễn Phan

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4. (Ảnh: Nguyễn Phan)

Tổng thu ngân sách Nhà nước toàn Vùng đạt hơn 391.000 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng thu Ngân sách Nhà nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng. Giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng.Trong 7 tháng, Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Tại Hội nghị lần thứ ba Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Tây Ninh vào tháng 5/2024, Hội đồng đã đề ra 9 nhiệm vụ, đến nay sau 2 tháng đã hoàn thành thêm 3 nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Về Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, tiếp tục tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện.

Một số dự án quan trọng, liên kết vùng đang triển khai có chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là các dự án: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án Xây dựng Nhà ga Hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương…

Với kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua của vùng Đông Nam Bộ, mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Đến nay, vùng có 6/6 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.

Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ

Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đã xây dựng dự thảo báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế - xã hội và đang gửi lấy ý kiến các bộ ngành và các địa phương.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Ngoài các nhóm cơ chế áp dụng chung cho các vùng trong nước thì riêng vùng Đông Nam Bộ đề xuất thêm một số cơ chế riêng biệt như nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng; phát triển khu công nghiệp; tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; chính sách về ngành, nghề ưu tiên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, khơi thông cho phát triển, trong đó thực hiện đẩy mạnh 3 đẩy mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công; ứng dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì tiến hành khẩn trương hoàn thành nghiên cứu các dự án vùng và liên vùng: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua vùng Đông Nam Bộ, các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương chủ trì, nghiên cứu trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án Đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Chơn Thành – Gia Nghĩa, TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; phấn đấu khởi công vào dịp 30-4-2025.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, địa phương tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch Vùng tiếp tục ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030. Trong đó dành nguồn vốn phù hợp để chuẩn bị đầu tư để bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và dự án đi qua các tỉnh, thành phố để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với quyết tâm cao, sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và người dân, vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch vùng đã phê duyệt. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đạt được nhiều kết quả xuất sắc hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan