A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao nhất

Mục tiêu tăng trưởng năm đang trở nên rất thách thức. Những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đã được Chính phủ bàn rất sâu trong các phiên họp thường kỳ. Song chuyên gia cho rằng mấu chốt nằm ở cách làm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023; dự báo 3 kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Cụ thể, kịch bản 1: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7%. Kịch bản 2: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Vậy trong ba kịch bản trên, kinh tế Việt Nam sẽ về đích trong năm 2023 với kịch bản nào? Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề này:

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả 9 tháng đầu năm?

GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong suốt giai đoạn 2011-2023 do nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Dù còn thấp, đây vẫn là kết quả có phần tích cực khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Và trong một năm rất khó khăn, kết quả này đã là một nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm cao của cả Chính phủ lẫn cộng đồng doanh nghiệp.

- Tăng trưởng có thể đã tốt hơn nếu giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh hơn nữa?

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến ngày 30/9/2023, ước tính giải ngân đạt khoảng 363.310 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, năm 2022, tỷ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm; nếu so về con số tuyệt đối thì cao hơn 110.000 tỷ đồng.

Kết quả này đã tạo ra đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cần lưu ý rằng kết quả này có được không chỉ vì tỷ lệ giải ngân cao, mà còn do quy mô đầu tư công lớn hơn trước, vì năm nay có nhiều dự án đầu tư công lớn được giải ngân.

Điều nhấn mạnh nữa là kết quả đầu tư công năm nay không chỉ tạo ra những đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng 2023 mà còn tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển lâu dài cho nền kinh tế.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng năm. Ông có bình luận gì về các kịch bản này?

Cả ba kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đều rất thách thức. Nguyên do là bối cảnh kinh tế thế giới đang xấu hơn rất nhiều so với năm ngoái, thương mại toàn cầu tăng trưởng kém thấp hơn. Diễn biến về kinh tế chính trị thế giới ngày càng khó lường, các biện pháp trả đũa và tình hình chính trị tiêu cực của thế giới sẽ tác động tới Việt Nam.

Vì vậy, tôi cho rằng các kịch bản tăng trưởng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chỉ là kịch bản để điều hành, có nghĩa đây là chỉ tiêu giúp Chính phủ căn cứ vào đó để đưa ra những chính sách, giải pháp nhằm đạt được tăng trưởng cao nhất chứ không phải là kết quả mà chúng ta nhất định phải đạt được.

Thực tế, Chính phủ đã chọn kịch bản cao nhất để điều hành. Tôi cho rằng điều này là hợp lý. Chúng ta phải có quyết tâm mạnh mẽ như vậy thì mới đạt được tăng trưởng ở mức cao nhất.

- Nhiều tổ chức kinh tế thế giới đã đưa ra kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam. Theo đó, dù kinh tế Việt Nam có thể không tăng trưởng cao nhưng vẫn có thể dẫn đầu Đông Nam Á trong năm 2023. Theo ông, dự báo này liệu có quá lạc quan?

Những dự báo này trước tiên sẽ giúp chúng ta có thêm động lực và quyết tâm để đạt được mục tiêu cao nhất. Với kịch bản tăng trưởng cao nhất, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có cơ hội thực hiện bởi một số lý do. Một là nhìn vào tốc độ giải ngân đầu tư công. Thông thường, đầu tư công sẽ về đích vào các tháng cuối năm nên với tốc độ giải ngân đầu tư công như hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đầu tư công sẽ là tạo ra cú hích cho tăng trưởng năm nay. Hai là xuất nhập khẩu đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Ba là các lĩnh vực khác như tiêu dùng, du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng sẽ có nhiều khởi sắc vào cuối năm.

Ngoài ra, chúng ta cũng thành công trong ngoại giao kinh tế, đặc biệt là các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao các nước tới Việt Nam và lãnh đạo cấp cao Việt Nam đi các nước. Thành công này, tuy chưa tạo ra ngay kết quả kinh tế nhưng đã củng cố niềm tin của giới kinh doanh. Nhờ đó mà hiệu quả kinh doanh cũng sẽ tốt hơn. Đây là cơ hội có thể giúp chúng ta đạt được tăng trưởng.

- Ông cho rằng giải pháp cụ thể nào sẽ giúp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất cho các tháng cuối năm?

Các giải pháp để có được tăng trưởng tốt nhất đã được Chính phủ trao đổi rất sâu tại phiên họp thường kỳ tháng 9, tôi không muốn bổ sung thêm về giải pháp nhưng muốn trao đổi thêm nhiều hơn về cách làm.

Năm nay doanh nghiệp rất khó khăn nên vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp cũng không đơn giản. Nếu như các năm, doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn về thể chế thì năm nay, bên cạnh khó khăn về mặt thể chế thì sự suy giảm của thị trường, nhu cầu và sự cạnh tranh của các quốc gia trong và ngoài nước đã trở thành thách thức cần nhìn nhận và giải quyết.

Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng sự quyết liệt và khẩn trương là quan trọng. Theo đó, Chính phủ cần dành nhiều hơn thời gian để thực hiện nhiệm vụ được giao, hướng tới các giải pháp ưu tiên và hướng tới trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ. Chính sách vượt quyền nào cần có thì Chính phủ phải kiến nghị ngay tại kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra tới đây.

- Từ kinh nghiệm của ông, những chính sách vượt quyền nào mà Chính phủ cần mang ra kiến nghị tại Quốc hội?

Đầu tiên là thể chế, tôi cho rằng Quốc hội đã sẵn sàng hơn, ưu tiên hơn, kịp thời hơn cho việc giải quyết những vấn đề này. Trong bối cảnh hiện nay, những nghị quyết đặc thù về cải cách thể chế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở các lĩnh vực ưu tiên, nhằm khơi dậy những nguồn lực là rất quan trọng.

Chính phủ đã có những nghị quyết về cơ chế thí điểm như nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, nghị quyết về một số chính sách ưu đãi hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ cao nhằm đón dòng vốn FDI công nghệ cao, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư vào hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý rằng trong trường hợp này, Chính phủ cũng cần rất nỗ lực để những đệ trình của mình được Quốc hội thông qua nhanh chóng bởi điều này sẽ tạo ra tác động tích cực cho nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan