A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐBQH hiến kế tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn cho nền kinh tế

Chiều 31/10 và cả ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận về: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, thảo luận tại hội trường và cho ý kiến vào tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, kinh tế tăng trưởng kinh tế năm 2023 dù khó khăn, nhưng quý sau cao hơn quý trước, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 5% là hết sức trân quý.

ĐBQH hiến kế tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia nợ công giảm (Ảnh minh họa: KT)

Các đại biểu đánh giá, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, nổi bật là thực hiện các chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Đại biểu cũng đánh giá cao, trong 3 năm khó khăn khi Việt Nam phải đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng thu ngân sách không giảm, nợ công lại kéo giảm rất tốt (dưới 40% GDP trong khi trần 60% GDP). Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia nợ công giảm. Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cho dù chúng ta có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn và thị trường bất động sản

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời có chiến lược và chính sách hỗ trợ bài bản, đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tương xứng với vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Trong đó, có giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; quyết liệt triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

ĐBQH hiến kế tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

“Cần quyết liệt triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/NHNN và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế, cung cấp nguồn “ô-xy” cho doanh nghiệp, cần mạnh dạn nới lỏng điều kiện, thủ tục để các chủ thể tự tin tăng cường giải ngân các gói hỗ trợ, doanh nghiệp cũng dễ dàng tiếp cận các gói vay ưu đãi, tránh tình trạng “đói vốn nhưng vẫn ế vốn”, đại biểu Nguyễn Như So nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 01/2023/NQ-CP, tập trung vào các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, thúc đẩy tự do kinh tế để vượt bẫy thu nhập trung bình, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và đạt mục tiêu trở thành nước phát triển.

Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ thời gian tới, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự băn khoăn: “Tín dụng đang rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được nguồn vốn. Đây là có phải điểm mấu chốt để tháo gỡ không? Nếu tháo gỡ được vấn đề này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch. Đây là vấn đề cần được xem xét, tìm hướng giải quyết...”

ĐBQH hiến kế tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn cho nền kinh tế - Ảnh 3.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Đề cập về thị trường bất động sản bị xây dựng dở dang, chưa hoàn thành đúng tiến độ, ĐBQH Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay. Cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản nằm bất động. Thành phố Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha. Nhiều dự án nằm đấy cả chục năm, 20 năm rồi khiến người dân bức xúc, là điểm nóng về mất an ninh trật tự nên phải rà soát xử lý.

Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng, nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Để giải quyết những bất cập trên, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đề nghị: “Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Đối với những dự án chậm triển khai, cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Còn đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng thực hiện phải giải quyết dứt điểm, không để các dự án xây dựng chậm triển khai kéo dài”.

Cần giải pháp nhanh, triệt để xử lý nợ xấu

Cơ bản đồng tình với những kết quả nổi bật trong các báo cáo về phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nêu vấn đề cần lưu ý là nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội, tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

ĐBQH hiến kế tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn cho nền kinh tế - Ảnh 4.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Nếu loại trừ các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt và thêm Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân, tỷ lệ này là 2,86%. Đáng quan ngại, nếu cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng chỉ rõ, con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng của năm 2023 tăng chậm.

Cũng bày tỏ lo ngại về tỷ lệ nợ xấu ngân hàng, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng thua lỗ, kéo dài và nguồn vốn rất khó khăn, trong khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng khoảng 3,6%, trong những tháng gần đây tăng đột biến.

Ngoài ra, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo như báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là rất chậm. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp nhanh, triệt để và kịp thời vì để nợ xấu càng lâu thì lãi dự thu càng nhiều, tạo gánh nặng cho nền kinh tế, gây lãng phí nguồn lực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan