A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công ty Chứng khoán bị siết trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư còn trông vốn margin?

Trước kỳ nghỉ lễ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có Công văn số 2488/UBCK-QLKD về việc yêu cầu các công ty chứng khoán tiếp tục thực hiện các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Siết trách nhiệm 2 vai của CTCK

Theo đó, UBCKNN nêu ra các yêu cầu chặt chẽ đối với Công ty Chứng khoán (CTCK) khi phát hành hành trái phiếu riêng lẻ bao gồm rà soát hồ sơ chào bán của chính CTCK lẫn rà soát hồ sơ của các doanh nghiệp mà các CTCK thực hiện hợp đồng tư vấn dịch vụ.

Tới đây, các CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ thông tin của doanh nghiệp họ tư vấn chào bán trái phiếu. Ảnh: Giao dịch tại Chứng khoán ABS, đơn vị đã thực hiện tư vấn hồ sơ 1 đợt phát hành với tổng trị giá 800 tỷ đồng cho Công ty CP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil. Toàn bộ số trái phiếu của đợt phát hành này đã được bán cho 1 nhà đầu tư tổ chức là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

Tới đây, các CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ thông tin của doanh nghiệp họ tư vấn chào bán trái phiếu. Ảnh: Giao dịch tại Chứng khoán ABS, đơn vị đã thực hiện tư vấn hồ sơ 1 đợt phát hành với tổng trị giá 800 tỷ đồng cho Công ty CP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil. Toàn bộ số trái phiếu của đợt phát hành này đã được bán cho 1 nhà đầu tư tổ chức là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

Các CTCK phải tuân thu các quy định về cung cấp dịch vụ ký với doanh nghiệp phát hành và chào bán trái phiếu đúng đối tượng, nhà đầu tư đủ điều kiện theo quy định; đồng thời rà soát hoạt động đăng ký lưu ký, trái phiếu, báo cáo định kỳ, báo cáo nếu có bất thường.

Trường hợp vi phạm các CTCK sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Có thể thấy, các quy định của UBCKNN đã “đánh” vào trọng tâm những lỗ hổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Trong đó CTCK vừa hoạt động với tư cách là một chủ thể doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tăng cường vốn theo nhu cầu vừa là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, làm tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, phát hành. Nói cách khác, họ đảm đương hai vai “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Do đó, trong thời gian qua, không tránh khỏi đã có trường hợp “lách” các lỗ hổng quy định hoặc chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình đặc biệt ở các vai cung cấp dịch vụ của thành viên tạo lập thị trường. Và điều này đã thể hiện rõ trong nhiều vụ việc vừa qua.

Chẳng hạn, nhiều CTCK thời gian qua như APS, Trí Việt hay VISecurities đã bị xử phạt vì cung cấp dịch vụ, nghiệp vụ chưa được chấp thuận.  Hay trong vụ việc phát hành 9 lô trái phiếu chui mà không báo cáo UBCKNN của Tân Hoàng Minh, CTCK Bảo Việt, CTCK An Bình đều có khẳng định các đơn vị này đã thực hiện tư vấn hồ sơ chào bán trên cơ sở các thông tin, tài liệu do tổ chức phát hành cung cấp, tổ chức phát hành chịu trách nhiệm về cung cấp thông tin. Nhưng dư luận đặt câu hỏi với khẳng định như vậy, dường như trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn đối với việc rà soát hồ sơ doanh nghiệp trước khi cung cấp ra thị trường cho nhà đầu tư là... không có trách nhiệm gì (!).

Ở phía dịch vụ phát hành, quy định “chỉ chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ điều kiện mua trái phiếu” theo Luật, cũng xuất hiện tình trạng "lách" luật, CTCK hỗ trợ nhà đầu tư để tuân thủ quy định... cho có.

Theo UBCKNN, quy định pháp lý hiện hành, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp nhà đầu tư mua trái phiếu theo phong trào, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể gặp phải. Và thậm chí đã có không ít phản ánh về việc “trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo quy định là phải có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân, nếu nhà đầu tư cá nhân phải có danh mục chứng khoán tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận CTCK, chịu thuế TNCN tối thiểu 1 tỷ đồng..., nhưng các điều kiện này đều được thông qua “con dấu” CTCK khá dễ dàng.

Tác động như thế nào đến thị trường?

Trên thực tế không phải bây giờ cơ quan quản lý mới đặt trọng tâm “siết” trách nhiệm của các CTCK - các tổ chức trung gian trên thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Mọi hành vi vi phạm, cố tình gian lận trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, mọi hành vi vi phạm, cố tình gian lận trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định

UBCKNN cho biết từ ngày 10/9/2021, Ủy ban đã có Công văn số 5225/UBCK-QLKD về việc nhắc nhở các công ty chứng khoán tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP) và Thông tư số 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Liên tiếp từ giai đoạn đó đến nay, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản khuyến nghị, cảnh báo nhà đầu tư về các rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thông qua chào mời của các ngân hàng và CTCK, đồng thời yêu cầu UBCKNN, Ngân hàng rà soát, thanh kiểm tra, chấn chỉnh thị trường.

Gần nhất, khi những lỗ hổng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với các hệ lụy phát lộ, liên tiếp các quyết định quyết liệt, không khoan nhượng với các trường hợp vi phạm pháp luật bao gồm thao túng giá chứng khoán, phát hành trái phiếu chui có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hướng đến làm minh bạch hóa, lành mạnh hóa thị trường đã được Chính phủ, các cơ quan quản lý thực hiện.

Riêng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngày 25/4/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bộ giao Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội rà soát tổng thể các doanh nghiệp phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ để đánh giá theo các tiêu chí về khối lượng phát hành, phát hành lãi suất cao... nhằm có cơ sở đánh giá rủi ro tổng thể trên thị trường.

Đáng chú ý, song song với yêu cầu Vụ Tài chính Ngân hàng sớm hoàn thiện để trình Dự thảo sửa đổi Nghị định 152, Bộ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên môn nghiên cứu để sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc “siết” 2 vai của CTCK, đặc biệt ở vai cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi thực hiện Chỉ thị 01, vì vậy là điều kiện cần để có những nhà trung gian trên thị trường chất lượng.

Tất nhiên, những quy định này trước mắt, có thể khiến các CTCK “co” bớt hồ sơ theo các dịch vụ về tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu và tư vấn đấu thầu, bảo lãnh, phát hành, chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nhận xét. “Miếng bánh thơm” thị phần cung cấp dịch vụ về trái phiếu của một số CTCK và cả nguồn thu từ hoạt động nghiệp vụ theo đó tới đây có thể sẽ phải “chia” lại.

Cùng với đó, theo chuyên gia, điều này cũng ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn cung cấp margin cho nhà đầu tư của các CTCK, đặc biệt là những CTCK chưa niêm yết, vẫn "cậy" vào phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các đối tác nhất định. Đây là các CTCK khó vay hợp vốn quốc tế các gói lớn như nhóm top SSI, HSC, VCSC... hay khó "so đọ" với nhóm các CTCK có vốn ngoại, đã hút nhà đầu với dư nợ margin cao như Mirae Asset....

Tính đến hết quý I/2022, thống kê mới nhất cho thấy, dư nợ cho vay bao gồm cho vay margin và ứng trước tại các công ty chứng khoán tiếp tục lập kỷ lục với hơn 201.176 tỷ đồng. Tổng lượng cho vay của 10 đơn vị dẫn đầu chiếm khoảng 63,7% toàn nhóm công ty chứng khoán.

Cũng theo ông Hoàn, trong thời điểm hiện nay, với dư nợ margin đang ở mức cao kỷ lục trên toàn thị trường, thì hầu hết nhà đầu tư do lo ngại thị trường trượt dốc, lại chịu áp lực call margin cũ, ít nhà đầu liều lĩnh và còn hạn mức (nếu đang tham gia thị trường) để tiếp tục sử dụng đòn bẩy ký quỹ giải ngân mới. Nên vì vậy các CTCK hay nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng hạn mức margin với kỳ vọng "tiền to, dư địa lớn", thì cũng không phải cho hiện tại, mà là cho tương lai.

“Một khi thị trường qua cơn rung lắc mạnh của hiện tại và bước vào giai đoạn êm đềm, ổn định hơn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp với dư địa phát triển được nhận định còn rất lớn, do xuất phát hiện tại của chúng ta hiện tại vẫn còn nhỏ so với quy mô giá trị thị trường các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng đi vào khuôn khổ phát hành đầu tư – chuyên nghiệp hơn, thì các CTCK khi đó mới cần nguồn lực cho đợt mở rộng margin mới. Đó là thời điểm thị trường sẽ phát triển như tiềm năng dài hạn. Một số CTCK đang được các định chế “đổ tiền”, ví dụ VPS với kế hoạch đầu tư tham vọng của VPBank, thì sẽ lợi thế hơn trong câu chuyện này”, chuyên gia đánh giá.

UBCKNN quy định:

1. Đối với hồ sơ chào bán trái phiếu:

  - Rà soát chặt chẽ, đảm bảo doanh nghiệp phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và pháp luật chứng khoán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát của mình;

  - Đối với các hợp đồng tư vấn đang triển khai, phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp, chất lượng các thành phần hồ sơ cung cấp, đặc biệt là báo cáo tài chính, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành trái phiếu, hồ sơ về tài sản đảm bảo để yêu cầu doanh nghiệp công bố lại thông tin cho HNX trước khi phát hành.

  - Hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán chịu sự quản lý, giám sát của UBCKNN, tổ chức tư vấn phải thực hiện đầy đủ nghĩ vụ báo cáo định kỳ cho UBCKNN. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

2. Đối với việc tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu:

- Tuân thủ các quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với doanh nghiệp phát hành; công bố đầy đủ, chính xác thông tin của doanh nghiệp phát hành, trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư theo phương án phát hành, bản công bố thông tin chào bán trái phiếu đã được phê duyệt và chỉ chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ điều kiện mua trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

- Hành vi cung cấp không chính xác, không đầy đủ thông tin và chào mời cho sai đối tượng nhà đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Đối với việc đăng ký, lưu ký trái phiếu:

- Rà soát toàn bộ các trái phiếu doanh nghiệp đang được đăng ký, lưu ký về khối lượng trái phiếu đăng ký, lưu ký, tình hình thanh toán gốc, lãi, số lượng và loại hình nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tính đến thời điểm 15/4/2022, báo cáo về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trước ngày 05/5/2022.

- Tuân thủ quy định về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, rà soát, lưu trữ hồ sơ về xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo đầy đủ, trung thực, chính xác theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán, Điều 4, 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

- Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện các hiện tượng, dấu hiệu bất thường phải chủ động báo cáo, phản ánh về UBCKNN, các Sở Giao dịch Chứng khoán để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

(Theo Công văn số 2488/UBCK)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan