Có thể chấp nhận lạm phát hơn 4%
Hiện lạm phát đang chịu nhiều sức ép tăng trong thời gian tới, nếu lạm phát năm nay không giữ được ở mức 4% như chỉ tiêu đặt ra mà lên tới 5 - 6% vẫn là mức chấp nhận được. Chúng ta cần cố gắng không để lạm phát vượt 7%.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường |
Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, nhưng từ cuối tháng 2 đã nảy sinh nhiều áp lực mới như số ca nhiễm Covid tăng cao và đặc biệt là tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Những yếu tố này khiến trong đánh giá mới đây, WB nhận định tính bất định của phục hồi kinh tế toàn cầu gia tăng, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều rủi ro.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Phó trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?
Có nhiều chỉ tiêu đánh giá ổn định vĩ mô của một nền kinh tế như: tăng trưởng, cung tiền, dự trữ ngoại hối; bội chi ngân sách, tỷ lệ nợ công/GDP; lạm phát… Nếu nhìn vào các chỉ số đó cho đến hiện nay có thể khẳng định sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam vẫn tốt.
Bên cạnh đó, một điểm tích cực hiện nay là tuy lượng ca nhiễm Covid tăng mạnh, nhưng tỷ lệ bệnh nặng không cao và tử vong rất ít, cho thấy độ phủ vắc xin rất cao cùng với thuốc điều trị hiện đã phổ biến sẽ giúp giảm thiểu những tác động của dịch bệnh đến kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế trong năm nay.
Trong khi đó, lạm phát giá lương thực, thực phẩm thường là yếu tố gây tác động rất lớn tới lạm phát thì Việt Nam mình tự chủ được lương thực, thực phẩm, thậm chí còn được lợi khi là nước xuất khẩu lớn các mặt hàng nông sản. Nên đây cũng là yếu tố rất quan trọng giúp có được sức chống chịu trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, xuất khẩu vẫn tích cực, các cán cân vĩ mô được đảm bảo trong thời gian qua cũng giúp nền kinh tế có cơ hội phục hồi.
Như vậy, về cơ bản sức chống chịu vẫn đang tốt, nhưng sự bắt nhịp phục hồi của Việt Nam với thế giới đang bị lệch pha. Năm 2021, thế giới đã phục hồi trở lại thì Việt Nam vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội ở những nơi có dịch, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Năm nay khi Việt Nam mở cửa trở lại thì lại gặp phải bối cảnh thế giới xấu đi vì xung đột Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, tăng mạnh khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao.
Song nhờ các chỉ tiêu vĩ mô vẫn ổn, dự trữ ngoại hối ở mức cao… nên nói chung sức chống chịu của nền kinh tế vẫn rất tốt.
Trong bối cảnh xuất hiện những yếu tố bất định mới, theo ông, lạm phát ở mức nào là phù hợp cho năm nay?
Trong nhiều năm qua chúng ta đã duy trì được lạm phát ổn định trong mức mục tiêu dưới 4%. Tôi cho rằng, với quốc gia đang phát triển như Việt Nam lạm phát ở mức 4-6% là bình thường và chấp nhận được, nếu trên 7% là mức cần lo và lạm phát từ 10% trở lên là lạm phát cao và có rủi ro với ổn định vĩ mô. Vấn đề cũng cần quan tâm là dù lạm phát tổng thể thấp nhưng chỉ số giá tài sản (nhất là bất động sản) tăng quá cao cũng sẽ là rủi ro vĩ mô về trung và dài hạn.
Hiện lạm phát đang chịu nhiều sức ép tăng trong thời gian tới, nếu lạm phát năm nay không giữ được ở mức 4% như chỉ tiêu đặt ra mà lên tới 5 - 6% vẫn là mức chấp nhận được. Chúng ta cần cố gắng không để lạm phát vượt 7%.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự phối hợp chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên cần chú ý vấn đề gì, thưa ông?
Để thực hiện Chương trình phục hồi chúng ta phải nới lỏng tài khóa. Trong bối cảnh bình thường, CSTK nới lỏng có nguy cơ làm tăng lạm phát, nhưng trong điều kiện lạm phát thấp nên không đáng lo. Nhưng hiện nay, áp lực lạm phát cao hơn không chỉ do cầu kéo mà còn từ tác động của chi phí đẩy. Vì vậy, trong quá trình thực hiện Chương trình phục hồi phải sử dụng CSTK và CSTT để điều chỉnh lạm phát ở mức chấp nhận được. Sự phối hợp CSTK và CSTT lúc này vì thế rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lạm phát quá cao.
Nếu lạm phát tăng cao sẽ khó có dư địa để hạ lãi suất, cao hơn nữa thì không còn dư địa, thậm chí phải tăng lãi suất. Nói cách khác, nếu có sự điều hành vĩ mô tốt và nhịp nhàng; nhận diện và kịp thời phối hợp và điều chỉnh CSTK, CSTT và các chính sách vĩ mô khác trong xử lý các rủi ro tác động tới lạm phát thì lạm phát có tăng nhưng sẽ không tăng đến mức đáng lo, qua đó cũng giữ được mặt bằng lãi suất ổn định.
Một điểm lưu ý nữa là việc Fed bắt đầu tăng lãi suất và dự kiến tần suất tăng nhiều lần hơn trong năm nay cũng có phần tác động tới lãi suất tại Việt Nam.
Vậy theo ông, cần phải tập trung vào những giải pháp nào để nền kinh tế phục hồi và vẫn kiểm soát được lạm phát?
Vấn đề quan trọng nhất lúc này là không để lạm phát tăng lên mức quá cao. Rõ ràng bức tranh kinh tế đang cho thấy những khó khăn hơn, phải đặt ra nhiều kịch bản hơn. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn phải ngăn chặn được nguy cơ “hạ cánh cứng”. Ví dụ, nếu lạm phát đột ngột tăng cao và phải tăng lãi suất mạnh để đối phó có thể khiến rơi vào tình trạng hạ cánh cứng như giai đoạn những năm 2011-2012. Nên vấn đề quan trọng là không để lạm phát quá cao như tôi đã nói ở trên.
Bên cạnh đó, cần hóa giải nguy cơ thiếu hụt lao động vì số ca nhiễm tăng cao và F1 vẫn phải cách ly. Một trong những yếu tố bắt buộc để tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra là phải đảm bảo đủ lực lượng lao động cho các doanh nghiệp. Trên thực tế, việc quy định F0, F1 không được đi làm, hoặc làm việc theo mô hình cách ly (ví dụ yêu cầu phải có khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp F1) khiến rất nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng. Thiếu hụt lao động làm việc thì sản xuất gặp khó, dẫn tới nguy cơ thiếu cung hàng hóa. Thiếu cung thì giá cả lại càng lên. Do đó để nền kinh tế không nghẽn, tránh được thiếu hụt lao động, thu nhập người lao động không bị sụt giảm hơn nữa thì tiếp tục “gỡ” về y tế, theo đó cần bỏ khái niệm F1 đi, để F1 được đi làm bình thường.
Trong khi đó, Chương trình phục hồi phải nhanh thực hiện mới phát huy hiệu quả. Hiện nay các công việc liên quan còn phụ thuộc vào các bộ, ngành đưa ra các quy định, hướng dẫn. Nhưng xin lưu ý chúng ta đã sắp đi qua quý I.
Với những rủi ro mới xuất hiện, theo ông việc thực hiện Chương phục hồi kinh tế - xã hội có cần phải điều chỉnh gì không?
Trong bối cảnh phát sinh nhiều thách thức mới hiện nay thì cần phải điều chỉnh trong thực thi CSTK và CSTT. Việc điều chỉnh như thế nào thì phải được nghiên cứu, đánh giá. Đây là những điều chỉnh mang tính chất kỹ thuật để không làm tăng nguy cơ lạm phát cao. Ví dụ như thời điểm phát hành trái phiếu, giải ngân đầu tư công, điều chỉnh cung tiền và lãi suất… Tất cả cần được cân nhắc. Bên cạnh đó, để thực hiện nhanh gói hỗ trợ Chính phủ cũng nên có những hướng dẫn cụ thể hơn về thực hiện gói Hỗ trợ và kiểm tra giám sát với các địa phương và các bộ, ngành, bởi không cụ thể hóa và quyết liệt thì chính sách tốt cũng kém hiệu quả khi thực thi.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê thực hiện