A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ sở nào kỳ vọng tín dụng tăng trong thời gian tới?

Tín dụng tăng trưởng chậm trong quý 1, nhưng được dự báo sẽ cải thiện trong quý 2 và bắt đầu hồi phục từ quý 3.

* Tín dụng ngân hàng chững lại trong quý 1, kỳ vọng gì cho quý 2?

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến ngày 28/03/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2.06% so với cuối năm 2022, tăng 11.17% so với cùng kỳ năm 2022.

TS. Nguyễn Hữu Huân

TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM - lý giải 2 lý do khiến tín dụng tăng trưởng thấp trong quý 1.

Thứ nhất là lãi suất cao và thứ hai là nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hiện nay không nhiều, sức cầu của nền kinh tế thấp, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh .

Do đó, theo ông Huân, giải pháp chính là kích cầu, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh chi tiêu công.

Tuy nhiên, các địa phương đang thận trọng trong việc giải ngân. Sự e ngại và chậm giải ngân vốn đầu tư công làm chậm mục tiêu kích cầu nền kinh tế của Chính phủ. Chính phủ cần phải đưa ra được giải pháp trong thời gian tới để khơi thông việc giải ngân đầu tư công mới kích được tổng cầu của nền kinh tế lên. Hiện nay cầu trong khu vực tư nhân đang rất yếu, vì vốn cũng đang “nghẽn”, người dân cũng không còn nhiều tiền.

Bằng chứng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang giảm rất mạnh, cho thấy “túi tiền” của người dân không còn “rủng rỉnh” như xưa, nhu cầu thấp và mọi người đang thắt chặt chi tiêu để phòng ngừa rủi ro trong thời gian tới. Do vậy, bắt buộc khu vực Nhà nước phải đẩy mạnh chi tiêu công, kích thích tổng cầu nền kinh tế và tạo ra việc làm, đơn hàng nhiều hơn cho nền kinh tế thì mới kích tổng cầu lên được.

TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng cần phải kích cầu, kích cầu từ doanh nghiệp, người dân mới có nhu cầu để mua hàng hóa, vay tiền để sản xuất kinh doanh, từ đó mới giúp tăng trưởng tín dụng tăng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn đang dành vốn để xử lý trái phiếu, đa số các ngân hàng nhỏ đang bị “ách tắc” ở phần trái phiếu rất nhiều và thanh khoản cũng giảm nên họ chừa phần vốn này lại để xử lý trái phiếu. Do đó, việc nhanh chóng xử lý được thị trường trái phiếu sẽ giúp khơi thông vốn tốt hơn, góp phần giảm lãi suất.

“Bất động sản bị vướng là do những khoản cho vay có các chủ đầu tư cũng bị ách tắc. Muốn khơi thông được thị trường bất động sản thì phải khơi thông được thị trường trái phiếu trước. Đó là căn nguyên của mọi vấn đề” - TS. Huân nói thêm.

Trước đó, NHNN cũng đã đưa ra đề nghị giảm hệ số rủi ro của lĩnh vực cho vay bất động sản, giúp các ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc cho công ty bất động sản vay. Khi các giải pháp này được thực hiện (giảm hệ số rủi ro bất động sản, giãn nợ cho các doanh nghiệp tối đa 1 năm…) từ từ sẽ làm ấm dần thị trường bất động sản. Có thể đến quý 4 hoặc trễ hơn, thị trường bất động sản mới có thể ấm lên và đây là câu chuyện dài hạn.

Trước mắt, có rất nhiều giải pháp được Nhà nước đưa ra để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, những giải pháp này cần có độ trễ (kể cả tài khóa và tiền tệ). Do đó, quý 2 chưa có kỳ vọng nhiều, nhanh nhất là đến quý 3 hoặc quý 4 mới thấy được hiệu quả.

Dự báo về tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết, lãi suất vay đang giảm sẽ khuyến khích người dân vay nhiều hơn. Tuy nhiên, tốc độ giảm lãi suất vay chưa nhanh bằng mức giảm của lãi suất huy động nên tăng trưởng tín dụng trong quý 2 có thể tăng nhưng không nhiều. Tâm lý mọi người vẫn tiếp tục chờ cho lãi suất giảm thêm nên khả năng sẽ vay nhiều hơn so với quý 1 nhưng không quá nhiều như kỳ vọng, trừ khi lãi suất vay giảm mạnh và điều này khả năng sẽ diễn ra ở quý 3 chứ không thể ở quý 2.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan