A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu vẫn trong diện cảnh báo, VGI giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục

Cổ phiếu VGI bị duy trì diện cảnh báo do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý ngoại trừ của đơn vị kiểm toán liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L.

vgi.png

Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (mã VGI) vừa thông báo nhận được quyết định số 339/QĐ-SGDHN ngày 4/4/2025 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)) về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu VGI với lý do báo cáo tài chính (BCTC) năm 2024 của VGI bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Trước đó, trong BCTC hợp nhất năm 2024 được kiểm toán bởi Deloitte, đơn vị kiểm toán đã nêu một số cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC của VGI.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2024, VGI đã trình bày khoản đầu tư vào Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L (VCR) trên khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác vì chưa thu thập được số liệu tài chính từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/12/2024 của VCR. Do đó, VGI đã không thực hiện hợp nhất số liệu tài chính của VCR trên báo cáo tài chính hợp nhất của VGI cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 cũng như cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2024.

Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến thời điểm và các ảnh hưởng của việc không hợp nhất số liệu tài chính của VCR ở niên độ trước, điều này đã dẫn đến việc đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023. Tại ngày phát hành báo cáo kiểm toán này, kiểm toán cũng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến vấn đề trên. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2024 của VGI hay không.

Đồng thời, theo đơn vị kiểm toán tại ngày 31/12/2024, tổng số dư phải thu khách hàng, phải thu về cho vay và phải thu khác đối với VCR là khoảng 9.070 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2023 là khoảng 8.690 tỷ đồng). Trong năm 2023, VGI đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho các khoản phải thu VCR vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất với số tiền là khoảng 1.918 tỷ đồng, theo đó, toàn bộ số dư các khoản phải thu VCR tại ngày 31/12/2023 đã được trích lập dự phòng. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán đã không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến việc đánh giá giá trị có thế thu hồi làm cơ sở để ghi nhận chi phí dự phòng còn lại của năm 2023 nêu trên, dẫn đến việc đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2023.

Tại ngày phát hành báo cáo kiểm toán năm 2024, do ảnh hưởng có thể có của vấn đề trên đối với tính có thể so sánh của dữ liệu tương ứng với dữ liệu năm hiện tại, đơn vị kiểm toán tiếp tục đưa ra ý kiến ngoại trừ cho BCTC hợp nhất năm 2024.

Ngoài ra, kiểm toán viên cũng có ý kiến ngoại trừ đối với việc ghi nhận chi phí dự phòng tổn thất khoản đầu tư của công ty vào Công ty Telecom International Myanmar (Mytel) vào báo cáo hoạt động kinh doanh riêng lẻ năm 2024 số tiền 509 tỷ đồng (từ năm 2023).

Theo văn bản giải trình, VGI cho biết ý kiến ngoại trừ liên quan đến VCR là do có sự bất đồng giữa cổ đông VGI và cổ đông sở tại về việc tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này, nên VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính từ ngày 1/11/2018-31/12/2024. VGI đã thận trọng áp dụng theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất chuyển khoản đầu tư vào Công ty VCR từ khoản đầu tư vào công ty con sang khoản đầu tư dài hạn khác do đến ngày phát hành báo cáo kiểm toán, VCR vẫn chưa cung cấp được số liệu tài chính trên 12 tháng để hợp nhất.

Năm 2023, kiểm toán viên đã đưa ý kiến ngoại trừ do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến thời điểm và ảnh hưởng của việc không hợp nhất số liệu từ VCR, cũng như liên quan đến việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu đối với VCR. Do ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ năm 2023, dẫn đến kiểm toán viên tiếp tục có ý kiến ngoại trừ đối với số liệu trích lập phát sinh trong năm 2024.

Về ý kiến ngoại trừ liên quan đến chi phí trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào Công ty TNHH Telecom International Myanmar (Mytel). VGI cho biết, năm 2022 công ty đã trích lập dự phòng 3.369 tỷ đồng đối với khoản đầu tư này. Sang năm 2023, VGI đánh giá tình hình chính trị của Myanmar tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Mytel nên trích lập dự phòng toàn bộ phần còn lại của vốn góp với số tiền 509 tỷ đồng, lũy kế số tiền trích dự phòng tổn thất đầu tư vào Mytel tại thời điểm ngày 31/12/2023 là 3.878 tỷ đồng, tương ứng toàn bộ số vốn VGI đã góp.

Năm 2022, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ do không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến việc đánh giá khả năng thu hồi của khoản đầu tư vào Mytel. Do ảnh hưởng của năm 2022, đơn vị kiểm toán tiếp tục có ý kiến ngoại trừ đối với số liệu còn phải trích lập phát sinh trong năm 2023.

Để khắc phục ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, VGI đã tiến hành các hành động pháp lý phù hợp theo quy định pháp luật để giải quyết bất đồng với cổ đông sở tại của VCR. Tuy nhiên, do đây là tranh chấp quốc tế, các thủ tục pháp lý cần thận trọng nên chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Đối với chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi của VCR và dự phòng tổn thất khoản đầu tư của Mytel, BCTC năm 2024 chỉ có ý kiến ngoại trừ cho phần số liệu so sánh năm trước như dự kiến. Giai đoạn tiếp theo, dự kiến đến kỳ BCTC năm 2025 sẽ không còn xuất hiện ý kiến ngoại trừ về vấn đề này trên báo cáo của VGI.

Về kết quả kinh doanh, năm 2024 Viettel Global ghi nhận doanh thu thuần đạt 35.368 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 7.173 tỷ đồng, gấp 4,35 lần cùng kỳ năm 2023. Đến cuối năm 2024 công ty đã thành công xóa khoản lỗ lũy kế (đến cuối quý III công ty vẫn lỗ lũy kế 1.026 tỷ đồng), thậm chí còn dư trên 2.290 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGI vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh và đã giảm gần 29% kể từ đầu năm, tạm kết phiên sáng ngày 16/4 ở mức 65.700 đồng/cổ phiếu.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết