Cổ phiếu ngành Ngân hàng: Khả quan để đầu tư?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng là 1 trong 7 nhóm ngành tăng giá trong 2 tháng đầu năm 2020 với biên độ tăng cao thứ 3 với 30,19%. Trong số các nhóm ngành có quy mô vốn hóa lớn và có ảnh hưởng nhiều tới diễn biến chung của thị trường thì ngân hàng là nhóm tăng mạnh nhất.
“Lửa” trong “đêm đông”?
Tiếp diễn giao dịch đầu tuần cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng góp quan trọng vào các chỉ số chứng khoán. Đây cũng là nhóm cổ phiếu hút dòng tiền khá tốt khi trong Top 10 cổ phiếu về khối lượng giao dịch thì có đến 5 mã thuộc nhóm ngân hàng. Trong đó, SHB vẫn là tâm điểm khi tăng 7,6% lên 11.300 đồng/CP và khớp lệnh 42,6 triệu cổ phiếu, STB giảm 0,8% và cũng khớp lệnh đến 15,5 triệu cổ phiếu, CTG tăng 3,7% lên 26.450 đồng/CP và khớp lệnh 9,5 triệu cổ phiếu…
Nhìn lại 2 tháng đầu năm, dữ liệu từ FiinPro cho thấy, ngân hàng là 1 trong 7 nhóm ngành tăng giá với biên độ tăng cao thứ 3 với 30,19%. Trong số các nhóm ngành có quy mô vốn hóa lớn và có ảnh hưởng nhiều tới diễn biến chung của thị trường thì ngân hàng là nhóm tăng mạnh nhất. Ngoài ra, trong nhóm ngành có quy mô lớn chỉ có ngành bất động sản tăng giá với biên độ tăng khá hạn chế, chỉ ở mức 4,24%.
P/E các ngân hàng năm 2019 |
Trong số 18 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, tính từ đầu năm cho tới hết tháng 2 có 8 cổ phiếu tăng giá và 10 cổ phiếu giảm giá. Tuy nhiên, nhờ mức tăng trung bình lên tới 17,51% trong khi mức giảm trung bình chỉ 5,31% khiến cổ phiếu ngành Ngân hàng giao dịch thiên về xu hướng tích cực.
Chuyên gia phân tích chứng khoán Chu Hà Thanh cho biết, đà tăng cổ phiếu ngân hàng chủ yếu nằm ở nhóm các cổ phiếu ngân hàng cỡ trung bình như: SHB, TPB, HDB, VIB hoặc một số ngân hàng cỡ lớn có mức thị giá thấp như: CTG, VPB, ACB. Sự gia tăng này của nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng đến từ các yếu tố hiện tại của Ngành, cũng như sự lạc quan của nhà đầu tư về triển vọng tích cực của ngành Ngân hàng trong trung và dài hạn.
Cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang ở mức rất hấp dẫn với mức P/E khoảng 16,87 lần trung bình ngành và chỉ ở mức 8,89 lần đối với các ngân hàng lớn và trung bình. So với năm 2018 thì chỉ số P/E của nhóm các ngân hàng lớn và trung bình còn giảm 0,58 lần. Trong đó, một số ngân hàng lớn có P/E khá thấp như CTG (10,04 lần), VPB (8,23 lần), TCB (7,82 lần), MBB (6,28 lần)… Điều này đến từ việc năm 2019, lợi nhuận của các ngân hàng có mức tăng trưởng khá ấn tượng nhưng mức giá giao dịch biến động không lớn trong năm.
Một trong những yếu tố khác góp phần vào triển vọng nhóm ngành này là sự ra đời của bộ chỉ số VN-Diamond và VNFin Select. Chỉ số VN-Diamond có 14 cổ phiếu thì có đến 4 cổ phiếu ngân hàng và đều chiếm tỷ trọng khá cao. Trong khi đó, chỉ số VNFin Select tập trung vào cổ phiếu nhóm ngành tài chính với 10/17 cổ phiếu của chỉ số là cổ phiếu ngân hàng.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh năm 2019 của ngành này cũng đầy tích cực khi tăng trưởng lợi nhuận trung bình của các ngân hàng Việt Nam đã công bố kết quả kinh doanh là 42%, cao hơn khá nhiều so với các ngành khác. Trong đó có những ngân hàng lớn và trung bình có mức tăng trưởng vượt trội như CTG (75%), TPB (71%), MBB (30%)… Điều này đã thúc đẩy nhà đầu tư giải ngân tích cực hơn vào cổ phiếu ngân hàng.
Triển vọng tích cực
Dưới góc nhìn của mình, ông Chu Hà Thanh cho rằng, Hiệp định EVFTA được thông qua vào đầu tháng 2 với một điều khoản khá quan trọng đối với ngành ngân hàng. Đó là việc Việt Nam cho phép các nhà đầu tư đến từ EU được sở hữu đến 49% tại hai ngân hàng thương mại (trừ 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank). Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài với 1 ngân hàng chỉ là 30%. Việc lựa chọn ngân hàng được nới room ngoại của các TCTD EU lên 49% sẽ được dựa vào các tiêu chí, như: sạch nợ xấu, hoạt động tín dụng cốt lõi, đáp ứng các tiêu chuẩn của NHNN cũng như yêu cầu của đối tác EU. Trong Top 10 ngân hàng TMCP tư nhân uy tín năm 2019 đã được công bố, các ngân hàng Techcombank, VPBank, ACB lần lượt đứng 3 vị trí dẫn đầu. Tiếp đó là TPBank, SHB, HDBank, Sacombank, VIB và MSB. Đây là các ngân hàng nhiều khả năng được nhà đầu tư EU lựa chọn sau khi EVFTA đi vào hiệu lực. Điều này đã thúc đẩy sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng trong mắt nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2019 là tích cực với lợi nhuận tăng trưởng khá, các chỉ số an toàn được cải thiện như: Nợ xấu giảm, hệ số an toàn vốn tăng. Điểm đáng chú ý của năm 2019 là biên lãi ròng (NIM) trong năm 2019 tăng nhẹ nhờ việc dịch chuyển cơ cấu cho vay do tăng trưởng tín dụng chậm lại. Thu nhập ngoài lãi, mảnh đất tiềm năng của các ngân hàng, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 20-30% trong năm 2020. Khoản này đến từ tăng trưởng phí dịch vụ 46% so với cùng kỳ nhờ việc tăng trưởng khách hàng và tăng phí dịch vụ, tích cực thu hồi nợ xấu ngoại bảng và thu từ bán chéo sản phẩm bảo hiểm (bancassurance)... Dự kiến trong năm 2020, các hoạt động dịch vụ sẽ ngày càng đóng góp nhiều hơn vào cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng, đồng thời có tác động tích cực tới chất lượng tăng trưởng của ngân hàng.
Ngoài ra, hoạt động M&A bùng nổ trong ngành Ngân hàng với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là điểm nhấn về triển vọng 2020. Tháng 11/2019, KEB Hana Bank (Hàn Quốc) chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV sau khi hoàn tất các thủ tục giao dịch. KEB Hana Bank đầu tư để sở hữu 15% cổ phần của BIDV với giá trị gần 20.300 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ của BIDV tăng lên 40.220 tỷ đồng. Đồng thời, BIDV nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn Tài chính Hana và KEB Hana Bank.
Trước đó, đầu năm 2019, Vietcombank cũng đã phát hành riêng lẻ thành công 111,1 triệu cổ phiếu mới cho GIC Private Limited (GIC) - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd (Mizuho) - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu đô la Mỹ). Khoản đầu tư của GIC và Mizuho đã làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37,1 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD.
Sau 2 thương vụ khổng lồ này, năm 2020 hứa hẹn tiếp tục là năm bùng nổ của các cuộc mua bán – sáp nhập giữa các ngân hàng nội, ngân hàng có vốn đầu tư của nhà nước cùng các ngân hàng ngoại. Điển hình, với kết quả kinh doanh tích cực, Vietcombank đang dự kiến chào bán 6,5% cổ phần, tương ứng với gần 1 tỷ USD (hơn 22.000 tỷ đồng). Thương vụ này nhiều khả năng sẽ sớm diễn ra thuận lợi khi được khá nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm. Ngoài ra, MB cũng đang có kế hoạch bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thu về khoảng 240 triệu USD. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư ngoại đang hướng tới thương vụ cổ phần hóa Agribank.
Dương Công Chiến