Cổ phiếu bất động sản tăng nóng, lo ngại sóng ảo
Sóng cổ phiếu bất động sản đang cực sôi động với hàng loạt cổ phiếu liên tục tăng trần, thậm chí đã tăng nhiều lần chỉ từ đầu tháng 12/2021 đến nay. Và cũng từ đó đang có câu hỏi đặt ra liệu đấy có phải là sóng ảo?
Trong tuần giao dịch đầu năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn tăng hưng phấn và nhiều cổ phiếu bất động sản như CEO, DIG, LDG, FLC… tăng rất mạnh. Tuy nhiên, mức giá tăng của cổ phiếu của nhiều công ty bất động sản đang là bức tranh trái chiều với hoạt động kinh doanh.
Đơn cử như Cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O (mã CEO) đã có đà tăng giá từ vùng 11.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 11 lên 92.500 đồng/cổ phiếu, tức gấp gần 9 lần sau 2 tháng. Theo như phân tích của các công ty chứng khoán, CEO được đánh giá cao ở quỹ đất lên đến 962,1 ha. Tuy nhiên, các đơn vị phân tích không đánh giá cao khả năng triển khai và thực hiện dự án liên tục gối đầu của doanh nghiệp này do nguồn vốn còn yếu. Bên cạnh đó, ông lớn kinh doanh bất động sản Phú Quốc còn bị ghì chặt hoạt động bởi đại dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua.
Báo cáo tài chính quý 3 của Tập đoàn CEO tiếp tục cho thấy bức tranh kinh doanh ảm đạm với quý thứ 4 thua lỗ liên tiếp. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của CEO đạt 406 tỉ, giảm 40,5%. Sau khi trừ các khoản chi phí, CEO lỗ 224 tỉ trong 9 tháng, gấp đôi mức lỗ cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn có đòn bẩy tài chính cao khi tính đến cuối tháng 9.2021, CEO chỉ có 50 tỉ đồng tiền mặt trong khi nợ ngắn hạn lên đến 2.066 tỉ.
Kinh doanh bết bát khiến dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng năm 2021 cũng chuyển từ dương 112 tỉ đồng sang âm hơn 144 tỉ đồng. Từ đó, các chuyên viên phân tích của một số công ty chứng khoán đã đánh giá mức độ cực kì rủi ro đối với cổ phiếu này khi thị giá đang bị ảnh hưởng quá mức bởi dòng tiền đầu cơ.
Tương tự như vậy là trường hợp cổ phiếu VHG của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Trung Nam cũng đang có chuỗi ngày tăng giá “bất thường” sau khi HĐQT ra một số nghị quyết về việc thông qua định hướng chuyển đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty từ trồng và kinh doanh cao su sang bất động sản.
Cổ phiếu VHG từ đầu tháng 12.2021 đến nay giá cổ phiếu đã tăng từ 7.000 đồng lên 12.600 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, nếu nhìn vào báo cáo tài chính, VHG chưa có doanh thu kéo dài trong gần 2 năm từ đầu năm 2020 đến quý 3.2021. Trong 9 tháng đầu năm 2021, VHG thua lỗ gần 34 tỉ đồng, cùng kỳ lỗ gần 25 tỉ đồng.
Hiện tại, không ít nhà đầu tư và chuyên gia vẫn có đánh giá lạc quan về nhóm cổ phiếu địa ốc. Gói kích thích kinh tế lớn được kỳ vọng sớm trở thành hiện thực, cùng với đó là việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công, nhất là những dự án hạ tầng trọng điểm sẽ tạo nên sức bật cho thị trường bất động sản tại nhiều vùng, miền.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của một số công ty chứng khoán, dù nhà đầu tư tiếp tục có sự hào hứng với thị trường bất động sản, nhưng giá cổ phiếu thường phản ánh trước kỳ vọng từ 3 - 6 tháng, nên năm 2022 sẽ chứng kiến sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu địa ốc.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng giá mạnh trong thời gian qua, bây giờ là lúc nhà đầu tư cần định giá lại cổ phiếu, từ đó chọn ra những mã chưa tăng nhiều và định giá còn thấp so với ngành, đồng thời xem xét quỹ đất, dự án mà doanh nghiệp đang triển khai để có cái nhìn toàn diện và lựa chọn được cổ phiếu tốt. Riêng những mã đã tăng nóng thì không nên mua đuổi, vì giá có thể đã phản ánh hết kỳ vọng thị trường.