A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ đông một ngân hàng đón tin vui, dự kiến sắp được tạm ứng cổ tức tiền mặt

Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 12/12 tới để lấy ý kiến về việc tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023. Trước đó, đây cũng là ngân hàng trả cổ tức tiền mặt năm 2022 sớm nhất trên thị trường.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) vừa ra thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền.

Cụ thể, ngày 12/12/2023 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản. Ngân hàng dự kiến thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 6%. Số tiền chia cổ tức ước tính là hơn 1.500 tỷ đồng.

Trước đó, VIB là ngân hàng đầu tiên thực hiện chia cổ tức tiền mặt trong năm 2023. Hồi đầu năm, nhà băng này đã chi gần 2.108 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 5% cho cổ đông vào ngày 3/3. Sau đó tiếp đến ngày 5/5, VIB tiếp tục trả cổ tức tiền mặt năm 2022 đợt 2 với tỷ lệ 10%. Như vậy, tổng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2022 mà VIB thực hiện lên tới 15%.

Trong năm nay, VIB cũng đã hoàn tất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% để nâng vốn điều lệ thêm 4.215 tỷ đồng lên mức 25.292 tỷ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo VIB cho biết, năm 2024, nếu không có sự giới hạn của Ngân hàng Nhà nước thì VIB có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, VIB ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 16.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chính đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp và khối nguồn vốn. Trong đó thu nhập lãi đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, ở mức 4.840 tỷ đồng, chỉ tăng 4,5% so với năm trước. Nhờ vậy, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm còn 30% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí dẫn đầu ngành.

Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB  gần 11.500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý 3 đạt 4.300 tỷ đồng – mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay. Sau 9 tháng, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%, duy trì hiệu quả sinh lời top đầu ngành.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan