Cơ chế Sandbox cho Fintech: Cần sớm được xây dựng
Cơ chế sandbox sẽ là cơ chế rất phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, giúp thị trường phát triển hơn theo hướng khuyến khích các DN trẻ, DN mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 283/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Trong đó đề ra các nhiệm vụ chủ yếu đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng với những nội dung cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đưa ra cơ chế quản lý thử nghiệm đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời xây dựng khung khổ thử nghiệm (regulatory sandbox) cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin như ví điện tử, định danh điện tử, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng trên internet…
Theo chuyên gia, việc sớm đưa ra cơ chế pháp lý thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính mới không những nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho các Fintech Việt với các Fintech nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và Fintech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định, chính sách thuận lợi cho đầu tư, đồng thời cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp cho phát triển kinh tế, phổ cập tài chính ở Việt Nam.
Fintech cần có các cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro đặc thù |
Rõ ràng việc xây dựng thể chế sẽ tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia CMCN 4.0. Dù khác nhau ở trình độ phát triển và điều kiện đặc thù về thể chế kinh tế, Chính phủ ở các quốc gia đều nỗ lực cải thiện quản trị nhà nước thông qua thúc đẩy Chính phủ điện tử, mở rộng hợp tác công - tư trong phát triển công nghiệp 4.0, phát triển các ngành dịch vụ mới hoạt động trong môi trường số, cải thiện môi trường kinh doanh và từng bước đổi mới khung pháp lý khuyến khích liên kết các chủ thể tham gia cùng nhau hưởng lợi, chia sẻ rủi ro, gánh nặng tài chính, thúc đẩy DN trong nước, xây dựng các tổ chức nghiên cứu phát triển mạnh.
Nhìn rộng ra, một số quốc gia tiêu biểu như Hàn Quốc, Singapore đã sớm xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ mới như công nghệ tài chính (Fintech), năng lượng, y tế. Tại Hàn Quốc, nước này đã xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho Fintech, cho phép các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính giới thiệu những dịch vụ, ứng dụng mới trong kinh doanh mà không yêu cầu tuân thủ các quy định pháp lý. Singapore cũng đã có cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho các lĩnh vực Fintech, năng lượng, y tế. Cơ quan tiền tệ của nước này đã cho phép các bên liên quan tham gia trong lĩnh vực Fintech.
Trên thực tế, trong giao dịch điện tử hiện nay có rất nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều loại dịch vụ hiện đại đã có trên thị trường, song lại chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào. Ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, cơ chế sandbox sẽ là cơ chế rất phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, giúp thị trường phát triển hơn theo hướng khuyến khích các DN trẻ, DN mới sáng tạo. “Fintech là lĩnh vực công nghệ mới, cần có các cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro đặc thù, khác với các cơ chế truyền thống của hệ thống tài chính - ngân hàng. Việc áp dụng cơ chế quản lý ngân hàng vào Fintech chưa chắc sẽ phát huy hiệu quả. Bởi thế, cần có giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề kỹ thuật”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, ông Varun Mittal - Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, Giám đốc Phụ trách tư vấn dịch vụ Fintech Công ty E&Y Khu vực Đông Nam Á cho biết, chính sách Fintech ở mỗi quốc gia là không giống nhau. Ví dụ như tại Singapore đặt ra các khung cho các nhóm khác nhau, với những quy định khác nhau. Đơn cử Chính phủ tách riêng giữa P2P (peer-to-peer) và P2M (peer-to-merchant) để đảm bảo công cụ thanh toán bao phủ được hoạt động càng nhiều càng tốt. Làm sao để mục tiêu cuối cùng là chính sách đề ra tạo ra sân chơi bình đẳng, tạo ra hệ sinh thái phù hợp để hỗ trợ các DN khởi nghiệp phát triển.
Chia sẻ thêm về vấn đề này dưới góc độ của cơ quan quản lý, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, NHNN hiện đã hoàn thiện Đề án về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech trình Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho cơ chế quản lý thử nghiệm để tạo khuôn khổ cho các DN khởi nghiệp Fintech và ngân hàng được tham gia thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới với các biện pháp giám sát và kiểm soát rủi ro phù hợp từ các cơ quan quản lý. Dự kiến trong năm 2020, cơ chế thử nghiệm này sẽ sẵn sàng chào đón các DN Fintech và ngân hàng tham gia. Sandbox sẽ đặt ra yêu cầu, phạm vi, đáp ứng tiêu chí nhất định, cơ quan quản lý theo đó sẽ giám sát chặt chẽ hồ sơ của DN xin tham gia để kiểm soát được rủi ro, tránh tác động người sử dụng cuối cùng. Đây là mục tiêu của bất kể quốc gia, cơ quan quản lý nào trên thế giới.
Nhưng ông Sơn cũng lưu ý, sandbox chỉ là một trong những cách tiếp cận quản lý, các quy định pháp lý khác vẫn cần được tiến hành song song. Hay có thể hiểu rằng khuôn khổ pháp lý cần liên tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện rõ ràng, minh bạch để nhằm hỗ trợ cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của Fintech Việt Nam trong thời gian tới.
Trên thực tế, trong giao dịch điện tử hiện nay có rất nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều loại dịch vụ hiện đại đã có trên thị trường, song lại chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào. Cơ chế sandbox sẽ là cơ chế rất phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, giúp thị trường phát triển hơn theo hướng khuyến khích các DN trẻ, DN mới sáng tạo. “Fintech là lĩnh vực công nghệ mới, cần có các cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro đặc thù, khác với các cơ chế truyền thống của hệ thống tài chính - ngân hàng. Việc áp dụng cơ chế quản lý ngân hàng vào Fintech chưa chắc sẽ phát huy hiệu quả. Bởi thế, cần có giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề kỹ thuật”.
Khuê Nguyễn